Ngày 10/11/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5225, phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch đối với vaccine Covid-19 Covaxin của Ấn Độ. Đây cũng là loại vaccine Ấn Độ đầu tiên được Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp cùng với 6 loại vaccine khác.
Covaxin do Bharat Biotech hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), và Viện Virus Quốc gia (NIV) sản xuất. Đây là loại vaccine sử dụng công nghệ rirus bất hoạt. Theo đó, virus SARS-CoV-2 không hoạt động được đưa vào cơ thể, để đào tạo hệ miễn dịch tạo kháng thể chống lại mầm bệnh.
Công nghệ này đã được sử dụng trong hơn một thế kỷ, từng dùng trong vaccine bại liệt, cúm mùa, dại, viêm não Nhật Bản,...
Theo kết quả các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vào tháng 7/2021, Covaxin đạt hiệu quả 93,4% ngăn ngừa ca nhiễm nặng, 77,8% với ca nhiễm có triệu chứng. Đối với biến thể Delta, hiện được xem là chủng trội trên toàn cầu, Covaxin đạt hiệu quả 65,2%.
Covaxin đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ vào đầu tháng 1/2021, và đã được triển khai cùng với Covishield - vaccine được Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất - trong chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ.
Covaxin trở thành loại vaccine thứ 7 được WHO ban hành sử dụng khẩn cấp (EUL), sau các vaccine Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca, Sinopharm và Sinovac.
Vaccine có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở nhiệt độ từ 2-8 độ C. Tháng 10/2021, Covaxin cũng đã nhận được khuyến nghị sử dụng cho nhóm từ 2-18 tuổi, và đang chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý để triển khai cho trẻ em ở Ấn Độ. Bharat Biotech cho biết, hiện họ đang nghiên cứu đánh giá tính an toàn, và khả năng sinh miễn dịch của liều tăng cường.