Vaccine chống dịch Covid-19 đang là loại dược phẩm nóng bỏng nhất hiện nay khi được nhiều nước săn lùng, tích trữ. Như một hệ quả tất yếu, hàng loạt những hãng dược đang thu lợi hàng tỷ USD từ bán vaccine, điều hiếm khi xảy ra trước đây bởi sản phẩm này vốn không phải loại thuốc quá cần thiết với người bệnh trước khi đại dịch bùng phát.
Vậy các hãng dược đang thu bao nhiêu tiền từ việc bán vaccine trong mùa dịch?
Hai cái tên dẫn đầu hiện nay trên thế giới là Pfizer và Moderna, vốn phát triển vaccine sử dụng công nghệ mới mRNA. Mức phí cho sản phẩm dùng công nghệ mới này là hơn 30 USD/người cho 2 liều tiêm.
Trong khi Moderna chỉ mới được thành lập cách đây 11 năm với khoảng 830 nhân viên trước khi đại dịch bùng phát và chưa bao giờ thực sự có lãi cho đến khi sản xuất vaccine ngừa Covid-19 thì Pfizer đã là ông lớn trong ngành dược. Tập đoàn này được thành lập từ năm 1849 với tổng lợi nhuận ròng đạt 9,6 tỷ USD năm 2020 và gần 80.000 nhân viên trên toàn cầu.
Ngoài ra, nhiều cái tên cũng được nhắc tới như AstraZeneca của liên minh Anh-Thụy Điển hay Johnson&Johnson của Mỹ, Sinovac của Trung Quốc và Sputnik V của Nga.
1. Pfizer
Vaccine của Pfizer được phát triển bởi liên minh Pfizer và BioNTech đến từ Đức. Đây là vaccine đầu tiên được nhiều nước công nhận nhờ sử dụng công nghệ mRNA an toàn, hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên chi phí marketing và tiêu chuẩn bảo quản quá cao (-70 độ C) khiến vaccine này có giá thành không hề rẻ.
Chính phủ các nước trên thế giới đã đặt khoảng 780 triệu mũi tiêm, ví dụ như Mỹ đặt mua 200 triệu liều với giá 3,9 tỷ USD, Liên minh Châu Âu (EU) đặt 300 triệu liều. Ngoài ra khoảng 40 triệu liều sẽ được chuyển đến các quốc gia có thu nhập thấp hơn thông qua chương trình hỗ trợ Covax.
Thông thường vaccine Pfizer có giá bình quân khoảng 39 USD cho hai liều ở Mỹ và khoảng 30 USD ở EU tùy vào đợt đàm phán.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 cho thấy vaccine của Pfizer đạt doanh số 7,8 tỷ USD và dự kiến tổng doanh số cả năm của sản phẩm này sẽ đạt 33,5 tỷ USD, cao hơn mức dự đoán 26 tỷ USD trước đó.
Nguyên nhân chính cho đà tăng này là sự bùng phát mạnh của các biến thể mới như Delta đe dọa đến khả năng dập dịch của nhiều nước. Thêm nữa, việc một số quốc gia xem xét tiêm chủng liều thứ 3 cho người dân sau 6 tháng nhằm đảm bảo đề kháng cũng khiến nhu cầu vaccine đi lên.
Nhờ đó, tổng doanh thu của Pfizer trong năm 2021 được dự đoán sẽ đạt 18,98 tỷ USD. Tất nhiên Pfizer cũng phải chia đều lợi nhuận với BioNTech.
Tổng doanh thu cuối cùng hiện vẫn chưa thể xác định bởi Pfizer cho biết họ có thể cung cấp 2 tỷ liều vaccine trong năm nay và con số có thể còn tăng do nhu cầu lớn từ các đợt bùng dịch mới.
Chuyên gia phân tích Carter Gould của Barclays dự đoán doanh số của Pfizer có thể đạt 21,5 tỷ USD năm 2021, 8,6 tỷ USD năm 2022 và 1,95 tỷ USD năm 2023 với giả định rằng vaccine này chỉ tiêm 1 liều.
Giá cổ phiếu của Pfizer đã tăng 28,72% từ đầu năm đến nay còn của BioNtech là 331,58%.
Nhờ đà tăng giá này mà cặp vợ chồng sáng lập nên BioNtech là Ugur Sahin và Ozlem Tureci, vốn đều là bác sĩ, đã trở thành tỷ phú vào năm 2020.
2. Moderna
Moderna là công ty có trụ sở tại Mỹ và dù cũng dùng công nghệ mRNA nhưng tiêu chuẩn bảo quản lại thấp hơn Pfizer khi chỉ cần giữ ở (-20 độ C). Chính phủ Anh đã đặt hàng tổng cộng 17 triệu liều vaccine Moderna, EU đặt 310 triệu liều và nhiều khả năng sẽ đặt thêm 150 triệu liều cho năm 2022. Mỹ cũng đặt hàng 300 triệu liều, Nhật Bản đã mua 50 triệu liều.
Vaccine của Moderna thu phí bình quân 30 USD cho 2 mũi tiêm tại Mỹ và 36 USD ở EU.
Hãng Moderna cho biết họ đặt kỳ vọng doanh số 18,4 tỷ USD trong năm 2021. Trong khi đó chuyên gia Gena Wang của Barclays dự đoán doanh số của hãng này sẽ đạt 19,6 tỷ USD năm 2021, 12,2 tỷ USD năm 2022, 11,4 tỷ USD năm 2023 với giả đỉnh vaccine của họ được tiêm chủng định kỳ.
Giá cổ phiếu của Moderna đã tăng 258,27% từ đầu năm đến nay. CEO Stephane Bamcel của hãng hiện đang nắm giữ 9% cổ phần, tương đương tổng giá trị 5 tỷ USD.
3. Johnson&Johnson (J&J)
Vaccine của J&J là loại đầu tiên tiêm chủng ngừa Covid-19 chỉ bằng 1 mũi tiêm. Chi nhánh Janssen của J&J là nơi phát triển vaccine ngừa Covid-19 được đặt tại Bỉ.
Sản phẩm của J&J được Mỹ thông qua vào cuối tháng 2/2021 và có thể để ở nhiệt độ tủ đông thường theo tiêu chuẩn trong vòng ít nhất 3 tháng. Những nơi đặt hàng nhiều nhất vaccine này là Mỹ và Anh với 30 triệu liều và tiếp tới đây là 22 triệu liều nữa. Phía EU cũng đã đặt tới 400 triệu liều còn chương trình Covax đã được cam kết sẽ nhận 500 triệu liều từ nay cho đến năm 2022.
Hãng J&J đặt mục tiêu bán được ít nhất 1 tỷ liều trong năm nay, tương đương doanh số 10 tỷ USD. Mức phí bình quân cho mỗi liều vaccine ngừa Covid-19 của J&J tại Mỹ vào khoảng 10 USD/người.
Giá cổ phiếu của J&J đã tăng 10,73% từ đầu năm đến nay.
4. AstraZeneca
Loại vaccine này được phát triển trong chương trình hợp tác với đại học Oxford-Anh và sử dụng công nghệ vector. Tiêu chuẩn bảo quản vaccine này khá thấp khi có thể giữ ở nhiệt độ tủ đông thường.
Những nước đặt hàng nhiều nhất bao gồm Anh với 100 triệu liều, EU với 400 triệu liều, Mỹ với 300 triệu liều.
Về doanh số, các chuyên gia của SVB Leerink dự đoán hãng này có thể đạt 1,9 tỷ USD trong năm nay và 3 tỷ USD năm 2022 do AstraZeneca vốn đặt mục tiêu phi lợi nhuận.
Tuy nhiên con số này có thể cao hơn nếu Astra bán được 3 tỷ liều như mục tiêu họ đã đề ra. Hiện mức giá cho mỗi seri 2 liều tiêm của Astra vào khoảng 4,3-10 USD.
Giá cổ phiếu của AstraZeneca đã tăng 15,83% từ đầu năm đến nay.
5. Sinovac
Sản phẩm của tập đoàn Trung Quốc có tên CoronaVac đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại một số tỉnh thành của nước này vào năm 2020. Tuy nhiên phải đến tận tháng 2/2021, chính phủ Trung Quốc mới chính thức cấp phép cho vaccine Sinovac được dùng trên cả nước.
Theo tờ The Guardian, nhiều quốc gia như Brazil, Chile, Singapore, Malaysia và Philippines đã ký thỏa thuận mua vaccine Sinovac. Thậm chí trước khi được chính thức công nhận, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine Sinovac hàng loạt vào tháng 1/2021.
Hiện Sinovac cho biết họ đang có kế hoạch gửi 10 triệu liều vaccine cho chương trình Covax nhằm hỗ trợ những nước nghèo.
Ngoài ra, tập đoàn này cung đặt mục tiêu sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine trong năm nay. Điều đáng ngạc nhiên là theo tờ The Guardian, giá của vaccine này không hề rẻ khi lên đến 60 USD cho liều 2 mũi ở một số thành phố tại Trung Quốc.
Trong khi đó, đối tác Bio Farma tại Indonesia của Sinovac cho biết họ đã đặt ít nhất 40 triệu liều vaccine với chi phí bình quân khoảng 27,2 USD/người.
Số liệu của tờ The Guardian cho thấy giá cổ phiếu của Sinovac đã giảm 21,6% trong 1 năm qua.
Nguồn ảnh: The Guardian
6. Sputnik V
Mặc dù chưa được EU chính thức công nhận nhưng nhiều nước như Hungary, Slovakia đã mua vaccine Sputnik V của Nga. Chúng được phát triển bởi viện Gamaleya từ vốn đầu tư của quỹ RDIF.
Theo thống kê, hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Iran, Algeria, Mexico đã đặt hàng vaccine này.
Tờ The Guardian cho biết vaccine Sputnik V đang gặp vấn đề khi đưa vào sản xuất với số lượng lớn. Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, quỹ RDIF cho biết họ đã ký hợp đồng với 15 nhà máy ở 10 quốc gia để sản xuất 1,4 tỷ liều.
Phía nhà phát triển của Sputnik V cho hay họ sẽ bán với giá 20 USD/liều hoặc thấp hơn tại thị trường quốc tế, riêng đối với thị trường Nga thì sẽ là miễn phí.
7. Novavax
Đây là doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ và đã có hơn 30 năm nghiên cứu vaccine. Tuy nhiên tờ The Guardian cho hay chưa có một vaccine nào của hãng được Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép thông qua. Hiện Novavax đang cố gắng chạy đua với thời gian để được cấp phép vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2021.
Theo Novavax, họ đã ký thỏa thuận cung ứng 300 triệu liều bao gồm Anh (60 triệu liều), EU, Canada và Australia. Công ty cho biết họ kỳ vọng sẽ sản xuất được 150 triệu liều/tháng với mức giá rẻ hơn các đối thủ trên thị trường.
Tờ Financial Times từng cho biết Novavax đã đạt thỏa thuận cung ứng vaccine cho Châu Phi với mức giá 3 USD/liều. Việc vaccine Novavax có thể giữ được ở mức nhiệt độ tiêu chuẩn của tủ đông thường khiến chúng có lợi thế khi vận chuyển đến những nước nghèo hơn.
Về doanh số, Novavax dự đoán họ có thể đạt doanh thu vài tỷ USD trong vòng 12 tháng tới khi vaccine được cấp phép thông qua
Giá cổ phiếu của Novavax từ đầu năm đến nay đã tăng 103,88%.
8. CureVac
CureVac đến từ Đức đã phát triển thành công loại vaccine cũng sử dụng công nghệ mRNA giống của Pfizer và Moderna nhưng có thể bảo quản ở mức nhiệt độ tiêu chuẩn thường của tủ đông, qua đó giảm chi phí vận chuyển.
Phía EU đã đặt hàng trước 225 triệu liều CureVac và có thể đặt thêm 180 triệu liều nữa dù sản phẩm này vẫn chưa được cấp phép thông qua.
Theo phía CureVac công bố, hãng này đặt mục tiêu sản xuất 300 triệu liều trong năm nay và khoảng 600 triệu - 1 tỷ liều năm 2022. Công ty này cho biết sản phẩm của hãng chứa ít các thành phần hoạt chất (Active Ingredient) hơn so với đối thủ hiện nay trên thị trường. Tuy nhiên hãng không thể bán với giá thành sản xuất bởi cổ đông cần lợi nhuận.
Giá cổ phiếu của CureVac từ đầu năm đến nay đã giảm 15,26%.
Hiện cổ đông lớn nhất của CureVac là tỷ phú Dietmar Hopp đang sở hữu 80% cổ phần công ty với tổng giá trị hơn 12 tỷ USD.
*Nguồn: The Guardian