Một số chuyên gia cho rằng nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh ở TP.HCM rất lớn. TP.HCM đến nay mới triển khai thí điểm thu phí là hơi trễ so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt, cái được là thành phố sẽ quản lý vỉa hè hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM, cho biết nhu cầu sử dụng vỉa hè ở TP.HCM hiện rất lớn. Do đó, việc thu phí là một giải pháp hay.
Để công bằng, người sử dụng vỉa hè phải trả tiền cho thành phố. Số tiền này cũng dùng để trùng tu, làm mới vỉa hè nơi chính họ sử dụng. Trong đó, người thuê cần có kèm theo trách nhiệm với đoạn vỉa hè đó. Chẳng hạn phải giữ vệ sinh, chăm sóc cây xanh, bảo vệ nền gạch, chỉ hoạt động trong phạm vi quy định... thì mới bảo vệ được vỉa hè.
Theo ông Hòa, đến nay thành phố mới áp dụng cho thuê vỉa hè là có phần hơi muộn, đáng lẽ phải làm từ nhiều năm trước. "Quan trọng là hiện tại, chúng ta đã có chủ trương. Các vấn đề còn lại chỉ là kỹ thuật thực hiện. Khi thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề nhưng không nên vì thế mà chùn tay. Thành phố cần tìm con đường tốt nhất để thực hiện, vướng ở đâu gỡ ở đó", ông Nguyễn Minh Hoà nhận định.
Nếu làm thành công, thành quả mang lại không hẳn là nguồn thu ngân sách. Ông cho rằng thành công của chủ trương này là thành phố sẽ có công cụ quản lý đô thị, quản lý vỉa hè hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông...
Ngoài ra, người kinh doanh, buôn bán khi đã bỏ tiền sử dụng vỉa hè, lòng đường rồi thì họ cũng an tâm hơn, không lo bị xử phạt, người đi bộ có khoảng đường để đi. Các quận, các phường thực hiện đúng quy định để có cơ sở pháp lý biết được trường hợp nào vi phạm, trường hợp nào làm đúng.
"Chúng ta cần tìm hiểu nhu cầu người dân, xem các hộ dân nào có nhu cầu sử dụng vỉa hè sẽ đăng ký, chứ không nên làm toàn bộ cả tuyến đường. Khi đăng ký, các bên cùng thỏa thuận và khi thấy có lợi, người dân sẽ hưởng ứng tham gia đông đảo", ông Hòa nói thêm.
Theo Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM, thành phố có thể giao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát cho Sở Giao thông Vận tải, lực lượng Thanh niên Xung phong hay một tổ chức chuyên nghiệp nào đó quản lý cho thuê vỉa hè.
Điều quan trọng là vừa thí điểm, vừa rút kinh nghiệm. Khi thành công đối với 100 hộ, 200 hộ thì mô hình sẽ được nhân rộng hơn. Nếu thành phố làm ào ào cùng lúc sẽ rất dễ xảy ra vấn đề mâu thuẫn và sẽ tốn thêm rất nhiều thời gian để giải quyết.
Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng có 4 đối tượng chính đang khai thác, lấn chiếm vỉa hè, tạo nên hoạt động kinh tế trên vỉa hè. Những đối tượng này gồm hộ mặt tiền, hàng rong cố định, hàng rong lưu động và dịch vụ.
Vị chuyên gia đặt vấn đề tại sao không thu phí với đối tượng gọi là hộ mặt tiền kinh doanh. Đây là đối tượng dù không hoạt động kinh doanh trên vỉa hè nhưng hầu như họ đều chiếm dụng vỉa hè.
Những hộ mặt tiền thường coi phần vỉa hè trước nhà là của nhà mình. Chính vì thế, nếu không thu phí từ họ, người dân thường sử dụng tùy tiện, không kiểm soát, sẵn sàng lấn chiếm ngoài phạm vi cho phép.
TS Tân đề xuất cần khoanh lại và xác định khu vực nào cho phép và không cho phép kinh doanh theo từng tuyến đường, với ký hiệu rõ ràng, dễ hiểu. Đồng thời, việc giám sát và xử phạt phải thật nặng ở các tuyến đường cấm hoạt động.
"Trước khi xử phạt hay chế tài trường hợp làm sai, các cơ quan cần tuyên truyền, vận động. Điểm quan trọng nhất quyết định thành công của chủ trương này là người dân được nâng cao nhận thức", ông Tân nói.
Một lãnh đạo Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết vấn đề kiểm tra, giám sát các hoạt động trên vỉa hè đã được Thành ủy, UBND TP.HCM quy định rõ trách nhiệm cho các quận, huyện, đoàn thể, Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra thành phố, Ban An toàn giao thông và Công an TP.HCM. Cùng với đó, vấn đề kiểm tra thu - chi cũng được quy định rõ trong Luật Ngân sách.
Theo vị này, trong khâu xây dựng đề án, Sở Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận vấn đề là làm sao kiểm tra, giám sát phải rõ ràng, công khai, minh bạch. Bản đề án cũng có hướng khi thu phí, các đơn vị sẽ áp dụng phần mềm, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý vỉa hè, lòng đường để phục vụ công tác cấp phép, đăng ký, xin phép cho các công dân, tổ chức. Các công việc này được thực hiện trên môi trường mạng, việc thu phí được áp dụng qua phần mềm, ứng dụng, tài khoản ngân hàng và hạn chế dùng tiền mặt.
Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp công tác báo cáo, kiểm tra, giám sát sau này thuận tiện hơn. Hiện nay, các ứng dụng công nghệ thông tin và camera đã phổ biến. Có thể khi cấp phép, các đơn vị sẽ theo dõi, kiểm tra từng hoạt động thông qua camera khu vực nhà dân.
Theo vị lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, một yếu tố nữa trong vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là tạo sự đồng thuận, tránh xung đột giữa người sở hữu mặt tiền, người kinh doanh. Do đó, chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch và đưa ra lấy ý kiến. Từ đó sẽ có quy định chỗ nào được phép kinh doanh, phạm vi bao nhiêu, bố trí nơi để xe ra sao...
Sở GTVT đang nghiên cứu để tích hợp hệ thống camera giúp phân định rõ ràng vị trí, phạm vi sử dụng lòng đường, vỉa hè để công tác kiểm tra được thuận tiện, nhanh chóng, tăng tính công khai, minh bạch.
"Mục đích của đề án là góp phần lập lại mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh hiện đại, nâng cao trách nhiệm của tổ chức cá nhân khi sử dụng, khai thác hiệu quả lòng đường hè phố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông phù hợp đặc thù của TP.HCM", vị này cho biết thêm.