Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước về việc tạm nộp 2.495 tỷ đồng vào ngân sách của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB).
Theo đó, VAFI dẫn Điều 132, 135, 136,149 của Luật Doanh nghiệp 2014, cho biết HĐQT doanh nghiệp chỉ có thẩm quyền đề nghị trước Đại hội cổ đông về mức chi trả cổ tức (lợi nhuận sau thuế để chia cho các cổ đông), chứ không có quyền quyết định thanh toán cổ tức cho cổ đông nào, kể cả cổ đông Nhà nước hay cổ đông đa số, mà không cần có Nghị quyết Đại hội cổ đông.
Tại Sabeco, Bộ Công Thương cũng chỉ là một cổ đông, kể cả trong trường hơp Bộ nắm giữ 89,59% vốn điều lệ doanh nghiệp thì cũng không thể ra lệnh cho người đại diện của mình, đang nắm đa số trong Hội đồng quản trị có quyền tạm nộp 2.495 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, mà không có Nghị quyết Đại hội cổ đông.
VAFI cho rằng ngày 27/12/2017, Bộ Công Thương chỉ còn nắm giữ 36% vốn Sabeco. Tỷ lệ này không thể biểu quyết mọi vấn đề mà Bộ mong muốn tại đại hội.
"Chẳng hạn Đại hội cổ đông sắp tới đây không đồng ý chia khoản lợi nhuận 2.900 tỷ đồng, với lý do dành tiền cho mở rộng sản xuất thì sao?", VAFI cho rằng nếu Thaibev không có ý kiến gì trong việc thanh toán này thì khi cổ đông Nhà nước nhận cổ tức 2.495 tỷ đồng, tương ứng 89,59% vốn nắm giữ, đồng nghĩa với ThaiBev không có cổ tức. Toàn bộ cổ đông thiểu số còn lại (trên 1.000 nhà đầu tư nắm giữ 10,41% vốn) sẽ được nhận số tiền 289 tỷ đồng.
VAFI cảnh báo, nếu Hội đồng quản trị Sabeco mà thực hiện lệnh của Bộ Công Thương là tạm nộp 2.495 tỷ vào ngân sách thì những thành viên Hội đồng quản trị Sabeco biểu quyết vấn đề này và lãnh đạo Bộ Công Thương liên quan đến vấn đề này phải đi tù và phải bồi thường thiệt hại cho hàng ngàn các nhà đầu tư vào Sabeco.
Lý do được Hiệp hội này đưa ra là họ đã cố tình vi phạm Luật Doanh nghiệp, hành động mà không đúng quyền hạn của mình, họ làm mất tài sản của nhà đầu tư, giá cổ phiếu Sabeco giảm vì họ làm mất lòng tin cho cổ đông Sabeco và như vậy các nhà đầu tư chứng khoán còn bị thiệt hại tài sản vì cổ phiếu Sabeco giảm giá.
"Khoản tạm nộp ngân sách 2.495 tỷ đồng là khoản vốn rất lớn chiếm 20%/vốn chủ sở hữu Sabeco tại thời điểm cuối năm 2017. Khoản này gửi ngân hàng thương mại nhà nước ở kỳ hạn 6 tháng với lãi xuất 5,3%/năm thì mỗi ngày Sabeco nhận được 344 triệu đồng từ lãi tiền gửi. Nếu Bộ Công Thương và Hội đồng quản trị quyết định nộp 2.495 tỷ vào ngân sách thì họ sẽ phải bồi hoàn cho công ty 344 triệu đồng/ngày nhân với số ngày mà khoản tiền 2.495 tỷ đồng bị lưu lại tại kho bạc nhà nước", VAFI cũng lưu ý rằng tiền vào kho bạc nhà nước thì dễ nhưng rút ra vô cùng khó khăn vì phải trải qua nhiều thủ tục hành chính và mất nhiều tháng trời mới giải tỏa được số tiền hợp pháp này cho Sabeco.
Mới đây, VAFI cũng có văn bản lên tiếng về việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco nộp 2.495 tỷ đồng vào ngân sách là trái pháp luật.
Như Vneconomy đã đưa tin trước đó, Kiểm toán Nhà nước có văn bản gửi Bộ Công thương, thông báo kết luận báo cáo kiểm toán tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước năm 2016 của Sabeco với nhiều đề nghị làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có vi phạm
Trong bản thông báo này, một trong những nội dung được Kiểm toán Nhà nước đề cập là việc chia cổ tức để nộp ngân sách Nhà nước trước khi thoái vốn. Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, lợi nhuận sau phân phối tại ngày 31/12/2016 của Sabeco là hơn 2.800 tỷ đồng. Công ty mẹ đã phân phối tiếp gần 76 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2016 vào quý 1/2017. Lợi nhuận còn lại của Sabeco các năm từ 2016 trở về trước hơn 2.700 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nộp ngân sách Nhà nước gần 2.500 tỷ đồng lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước.