Dự thảo Luật chưa rõ mục tiêu
Theo VAFI, những tác động mạnh của việc sửa đổi lần này là phải mở ra khuôn khổ pháp lý theo thông lệ thế giới tiên tiến để tăng cường thu hút vốn và công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài, phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước, kích thích thị trường chứng khoán phát triển…
Đặc biệt, VAFI cho rằng việc sửa đổi luật phải kích thích thay đổi cơ cấu cổ đông trong công ty đại chúng theo hướng giảm mạnh tỷ lệ cổ phần nhà nước, giảm tỷ trọng cổ phần cá nhân, tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư tổ chức và đầu tư chiến lược theo thông lệ thế giới. Có như vậy mới tạo lập được hàng vạn doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông ổn định vững chắc, có tiềm lực tài chính mạnh và giảm phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng...
Nhưng, nhận xét đầu tiên của VAFI về dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là mục tiêu soạn thảo luật chưa rõ ràng, hay chưa có những mục tiêu cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, hay để cộng đồng doanh nghiệp được hưởng lợi ích to lớn từ việc làm Luật.
Liên quan đến tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước, VAFI cho rằng từ nhiều sự kiện như đã xảy ra, như tại Vinashin, Vinalines, Petro Vietnam… Chính phủ hầu như chưa có các giải pháp mạnh để xóa bỏ tận gốc tình trạng quản lý yếu kém, tình trạng tham nhũng tràn lan trong khối doanh nghiệp nhà nước.
“Trong mấy năm gần đây, với sự chỉ đạo chống tham nhũng quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình trạng tham nhũng trắng trợn và tham nhũng lớn đã bị đẩy lùi, nhưng Chính phủ cần thêm các giải pháp xóa bỏ tận gốc tình trạng tiêu cực đó để làm sao tham nhũng yếu kém không có đất phát triển”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI phát biểu.
Coi doanh nghiệp nước ngoài như trong nước
Góp ý cụ thể cho bản dự thảo, VAFI đề xuất cần quy định trong Luật là nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thành lập doanh nghiệp, hoặc tham gia cổ phần chi phối thì coi là doanh nghiệp trong nước và được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước từ các khâu thành lập, đăng ký kinh doanh, quản lý nhà nước về doanh nghiệp và phát triển đầu tư dự án.
Việc hạn chế về tỷ lệ cổ phần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ là số ít ngành nghề đặc biệt (chứ không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện) do Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục.
Theo ý kiến của VAFI thì Chính phủ ban hành 1 danh mục mới với số ít ngành nghề hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại đang có nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện hạn chế tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng ta cần nhận thức rằng ban hành ngành nghề kinh doanh có điều kiện để phục vụ công tác quản lý nhà nước chứ không phải hạn chế công nghệ và vốn từ nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hải nói.
Trên tinh thần đó, phải thống kê và loại bỏ khoảng 80% ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang qui định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Thu 100 tỷ USD nếu 'làm' Luật triệt để
VAFI kiến nghị lần sửa luật này phải có những giải pháp quyết liệt để cải tổ doanh nghiệp nhà nước mà trước hết là đổi mới khái niệm doanh nghiệp nhà nước.
Theo VAFI, doanh nghiệp nhà nước phải là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước, phải niêm yết chứng khoán và thuộc danh mục ngành nghề mà nhà nước cần nắm giữ chi phối. Hướng tới chỉ còn rất ít loại hình doanh nghiệp nhà nước cần nhà nước nắm giữ 100% vốn. Tất cả doanh nghiệp nhà nước khác và doanh nghiệp có cổ phần nhà nước không thuộc đối tượng trên thì phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết chứng khoán.
Tất cả thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước mà không tuân thủ các quy định như trên thì tự động bị mất chức vụ mà không cần ý kiến quyết định của cấp có thẩm quyền.
Theo VAFI, nếu áp dụng đầy đủ và quyết liệt các giải pháp VAFI đã nêu thì trong vòng 15 năm tới, ngân sách nhà nước sẽ thu được khoảng 100 tỷ USD. Số tiền này vừa góp phần giảm mạnh nợ Chính phủ, đồng thời phát triển hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại cho toàn quốc, phát triển được hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hệ thống đường sắt nội đô tại Hà Nội, TP.HCM.