Chiều 31/3, tại cuộc Họp báo thường kỳ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản.
Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang và Công ty Concetti tìm kiếm các phòng thí nghiệm đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu và đánh giá các chỉ tiêu này theo yêu cầu của phía Nhật Bản để chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn có thể được bảo hộ tại Nhật Bản trong vụ vải 2021.
Cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chiều 31/3.
Ông Nguyễn Mai Dương, Chánh văn phòng Bộ KH&CN nhấn mạnh, đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau.
"Thị trường Nhật Bản là một thị trường khó để một sản phẩm nông sản có thể vào được, nhưng thời gian qua, với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ, đã giải đáp được những yêu cầu đặt ra từ phía cơ quan Sở hữu trí tuệ của Nhật Bản", ông Dương cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với giấy thông hành và có ý nghĩa quan trọng cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Nhật Bản. Bởi trước đây, để sản phẩm này vào thị trường Nhật Bản phải trải qua rất nhiều khâu, quy trình kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ông Nguyễn Văn Bảy cũng cho biết, ở các quốc gia khác, khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ cần chuyển toàn bộ hồ sơ trên giấy và quốc gia đó sẽ xem xét, đánh giá, nếu thấy đạt sẽ cấp chỉ dẫn địa lý, nhưng riêng thị trường Nhật Bản thì khác. Với vải thiều Lục Ngạn, sau khi nhận hồ sơ từ phía Việt Nam, Nhật Bản đã cử chuyên gia sang tận vùng trồng kiểm tra, đánh giá toàn bộ quy trình trồng, từ đất, cây, quả, quá trình chăm sóc, thu hái, bảo quản…
Ông Nguyễn Văn Bảy nói: "Qua việc Cục Sở hữu trí tuệ là đầu mối hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại Nhật Bản thì chúng tôi cũng rút ra được rất nhiều kinh nghiệm để quản lý các chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm khác của Việt Nam khi đi vào thị trường các nước… Đây là mô hình để rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả bảo hộ chỉ dẫn địa lý, để tiếp tục cho các sản phẩm khác đi vào thị trường các và cũng đồng thời là ngay ở thị trường Việt Nam".
Được biết, cùng với vải thiều Lục Ngạn, có 2 sản phẩm nông sản khác của Việt Nam là cà phê Buôn Mê Thuột và thanh long Bình Thuận cũng đang được Bộ KH&CN hỗ trợ các địa phương đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.