Chia sẻ về câu chuyện vải thiều, nhãn, thanh long của Việt Nam ra nước ngoài bán với giá rất cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: Vui thật, cảm xúc thật nhưng buồn lắm!.
Từ đầu năm đến nay, thông tin nông sản Việt bày bán tại thị trường nước ngoài với giá cao ngất ngưởng ngày càng nhiều. Ví như, vụ nhãn lồng vừa qua, loại quả đặc sản này của Việt Nam được đóng hộp bày bán trên quầy siêu thị tại Đức, Hà Lan giá từ 430.000-490.000 đồng/kg, cao gấp 15-20 lần giá bán nội địa đang xôn xao giới kinh doanh nông sản.
Hồi tháng 7/2021, tại một phiên đấu giá vải thiều ở Úc, hộp vải tươi Việt Nam 1kg đã được mua với giá 3.000 AUD (gần 52 triệu đồng). Phổ biến hơn, vải thiều Việt đi sang Nhật Bản, Pháp… cũng lên tới 350.000-500.000 đồng/kg. Cũng khoảng thời gian này, xoài Việt được bán tại siêu thị Úc với giá 300.000 đồng/kg, gừng đông lạnh 850.000 đồng/kg.
Mới đây, lô hàng 45 tấn sầu riêng Việt Nam đi Úc dù đang trên biển nhưng đã "cháy hàng". Giá thấp nhất lên đến 20-25 AUD/kg (khoảng 340.000-425.000 đồng/kg) đối với loại bóc sẵn múi.
Tại nhiều quốc gia, vải thiều và nhiều loại nông sản Việt bán được với giá rất cao (ảnh: TL) |
Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kể lại câu chuyện khi còn là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Lúc bấy giờ, ông là người truyền thông việc đẩy container xoài đầu tiên qua thị trường Mỹ. Ông cảm thấy rất thú vị vì bán được giá cao.
“Người Việt ở nước ngoài chụp ảnh xoài Đồng Tháp bán ở siêu thị nước ngoài hay chúng ta vẫn thấy các loại quả khác như nhãn, vải, thanh long,... bán với giá rất cao. Vui thật, cảm xúc thật nhưng buồn lắm!”, Bộ trưởng chia sẻ. Bởi, họp trực tuyến với 27 Đại sứ của nước ta tại Liên minh châu Âu hôm 27/10, ông mới biết nông sản Việt bán ra nước ngoài rất ít, lâu lâu mới có vài thương vụ, mà phần lớn chỉ bán ở cửa hàng gốc Á như Việt Nam, Thái Lan.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, tại chuyến đi châu Âu cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây, các Đại sứ cho hay thanh long của mình bán ở cửa hàng của Thái Lan, nghĩa là chúng ta chưa đi một cách đàng hoàng mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro, hoặc là bán trong cộng đồng người Việt.
Theo ông, khi đưa nông sản Việt vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Khi đó, mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng trên thế giới mới biết đến.
Ông cho rằng, truyền thông giúp đẩy cảm xúc nên "chúng ta hào hứng quá mà quên có những vấn đề, những rủi ro phía sau. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài DN mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường".
Theo một Đại sứ ở EU, nông sản của Việt Nam mới chiếm 1% trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của thị trường này, lại chỉ bán ở cửa hàng gốc Á.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, người tiêu dùng trên thế giới chưa biết nhiều đến nông sản Việt (ảnh: NG) |
Về xuất khẩu nông sản ra thế giới, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - công tác truyền thông tốt, nhưng chỉ qua vài hiện tượng nhỏ lẻ mà ảo tưởng là ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới, thương hiệu giá trị gia tăng, phẩm cấp cao là không đúng.
Ông đánh giá, nền nông nghiệp nước ta có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công và phải nhập khẩu giống, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, có một số ngành 80-90% nhập khẩu từ nước ngoài nên giá trị gia tăng nông nghiệp không cao; thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh và chưa vào được phân khúc cao thị trường.
Theo ông Lộc, thế giới giờ đang chuyển sang xu hướng tiêu dùng may đo chứ không phải là may sẵn. Họ có thể tìm đến đặt mua những nông sản từ lúc bắt đầu trồng. Ví như vài gia đình ở thành phố đặt mua chung nhau quả của một vườn vải hay vườn cam
Hàng ngày, họ quan sát vườn qua bảng điện tử ngay tại thành phố để theo dõi toàn bộ quá trình ra hoa, ra quả... đến khi thu hoạch. Họ có cảm xúc như người nông dân. Hay một người ở châu Âu cũng có thể đặt mua những bông hoa đang trong quá trình phát triển ở Đà Lạt.
Điều đó có nghĩa là tạo ra sự kết nối giữa người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp với các hộ nông dân, để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn khi cây lớn, cây ra hoa, kết trái và hưởng thụ sản phẩm. Đó là một thị trường đẳng cấp và sẽ xuất hiện trong tương lai, nhất là với người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu.
“Điều kiện tự nhiên nước ta có các vùng khí hậu, thổ nhưỡng nên cần phát triển đúng theo phương thức thuận thiên, tận dụng các điều kiện để có các sản phẩm chất lượng cao hơn”, ông Lộc lưu ý. Một khi hướng đến làm được sản phẩm nông sản chất lượng cao, chúng ta không chỉ mở rộng được thị trường xuất khẩu mà còn chiếm lĩnh được phân khúc cao cấp tại thị trường nội địa.
Tâm An