UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thời điểm này, trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có nhiều lò sấy thiều hoạt động tích cực, góp phần vào việc tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân địa phương.
Có mặt tại khu vực thôn Hợp Thành, xã Trù Hựu thời điểm này, ai cũng dễ dàng nhận thấy nhiều lò sấy vải thiều đang hoạt động. Ngay trên trục ĐT 289 vào Khuôn Thần đã có tới 8 lò sấy vải đang rực lửa, công suất mỗi lò sấy được cả chục tấn vải thiều tươi/mẻ. Cùng với việc tiêu thụ vải thiều tươi, thì hoạt động của các lò sấy đã góp phần giảm áp lực tiêu thụ vải thiều cho người trồng vải.
Ông Đỗ Tiến Lực, quê ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã lên Lục Ngạn thuê điểm cân và lò sấy vải thiều từ nhiều ngày nay cho biết. Hoạt động của lò sấy không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bởi vải sấy chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, trong khi đó, họ cũng lựa chọn hàng khá khắt khe, hàng vải sấy quả phải đều, quả nhỏ mang lên cửa khẩu thì không cân được.
Tham gia mua vải thiều để sấy khô đưa đi tiêu thụ từ gần 1 tháng nay, lò sấy của gia đình ông Ong Thế Tý cùng ở thôn Hợp Thành, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) thường xuyên chọn mua vải thiều tươi quả to đều với giá từ 5 - 7 nghìn đồng/kg để sấy nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. Hàng vải thiều sấy mang lên cửa khẩu mẻ nào bán hết ngay mẻ đó với giá đạt trên 30.000 đồng/kg.
Được biết, để duy trì một lò sấy công suất khoảng 10 tấn vải thiều tươi/mẻ, chủ lò sấy cần thuê từ 10 - 12 nhân lực nhằm thực hiện các công việc như: thu mua vải thiều, vận chuyển vải lên lò, đảo vải sấy, phân loại quả và kỹ thuật điều tiết nhiệt độ của lò than.
Trong đó, những lao động làm công việc điều tiết nhiệt độ lò sấy (giữ lửa) được trả công cao nhất, bởi đây là công việc yêu cầu người có kỹ năng tốt - thường là người đã có kinh nghiệm sấy vải thiều, sấy nhãn lồng nhiều năm (thợ quê ở Hà Nam). Vải thiều sấy ngon hay không chủ yếu phụ thuộc vào khâu này. Để sấy hoàn chỉnh một mẻ vải thiều thông thường mất thời gian liên tục 3 ngày 2 đêm. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện và nhu cầu cần sản phẩm, chủ lò sấy có thể yêu cầu thợ sấy vải đẩy thời gian sấy nhanh hơn hoặc chậm hơn một chút.
Theo Ông Vũ Tất Sơn - Chủ tịch UBND xã Trù Hựu, vụ vải này, toàn xã có 451 ha vải thiều cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 5.600 tấn quả tươi (tăng 3.000 tấn so với vụ trước). Sản phẩm vải thiều của xã cơ bản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên chủ yếu bán hàng hoa cho thương nhân đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, có một phần nhỏ sản lượng vải thiều được đưa vào lò sấy khô để tiêu thụ theo kênh khác. Trên địa bàn xã hiện có tổng cộng 20 lò sấy đang hoạt động, mỗi lò sấy có công suất từ 7 - 15 tấn/mẻ.
Theo số liệu Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lục Ngạn, tính đến ngày 24/6, trên địa bàn huyện có 168 lò sấy vải thiều đang hoạt động nằm ở khắp các xã, thị trấn, trong đó tập trung nhiều tại địa bàn các xã như Trù Hựu, Kiên Thành, Quý Sơn, Đèo Gia…
Rõ ràng hoạt động của hệ thống lò sấy không chỉ góp phần tích cực vào việc tiêu thụ sản phẩm vải thiều tại địa phương mà còn hạn chế nhiều nhu cầu sử dụng thùng xốp, đá cây, tránh tình trạng gây áp lực khan hàng, tăng giá các sản phẩm này.