Tại hội thảo liên quan đến thủ tục kiểm tra đối với hàng hoá xuất nhập khẩu mới đây, đại diện của Hiệp hội các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tiếp tục "kể khổ". Vướng mắc của VAMA vẫn xoay quanh Nghị định 116, quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
"Hiện tại VAMA chưa có giải pháp để nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản do Chính phủ nước này không cấp VTA", người đại diện này nói.
Không chỉ Nhật Bản, một số nước châu Âu, dù có giấy VTA nhưng cũng không cấp cho ô tô xuất sang Việt Nam. Dù giấy này vẫn được cấp cho ô tô ở thị trường châu Âu, theo đại diện VAMA. Vị đại diện này cũng nói thêm rằng hiện đang có một sự "du di" nào đó là VTA dùng cho ô tô của các nước châu Âu dùng cho thị trường nội địa nhưng được chấp nhận tại Việt Nam.
Hiện, Thái Lan và Indonesia là hai nước có động thái tích cực nhất với giấy tờ này. Cụ thể, tháng 2/2018, Chính phủ Thái Lan đã sửa đổi Luật để cấp VTA cho xe xuất khẩu sang Việt Nam. Một tháng sau, Chính phủ Indonesia cũng có động thái tương tự.
Tuy nhiên, với lý do liên quan đến VTA, VAMA cho biết trong 5 tháng đầu năm, lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam đã giảm 80% so với cùng kỳ năm 2017.
Do đó, đại diện của VAMA bày tỏ mong Chính phủ nên bãi bỏ yêu cầu VTA đối với xe nhập khẩu, hoặc nếu có VTA thì chấp nhận không thử nghiệm xe tại Việt Nam.
VAMA cũng có nêu một số vấn đề khác, liên quan đến Nghị định 116 như "đường để thử ô tô". Theo đại diện VAMA, một số thành viên của Hiệp hội khi cần thêm đất để xây dựng đường thử mới, đúng tiêu chuẩn của Nghị định thì không thực hiện được. Nguyên nhân thời gian thu hồi đất kéo dài, phức tạp. Đơn cử như GM hiện đang đặt vị trí ở Thanh Trì (Hà Nội) hay Hino Motors cũng không có đủ chiều rộng để làm đường thử 800 m.
Hay định nghĩa một lô hàng trong Nghị định 116 cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu giá trị nộp thuế của lô hàng lớn hơn 100 tỷ đồng, VAMA cho biết doanh nghiệp buộc phải tách đơn, thành hai lô hàng khác nhau, cho dù hàng hoá như nhau. Phía Tổng cục Hải quan tuy đã có hướng dẫn và chấp nhận mở tờ khai bằng giấy để khắc phục nhưng VAMA nhấn mạnh là không giúp tối ưu hoá thủ tục khi mọi thứ phải làm bằng tay.
Với nhiều rắc rối liên quan đến Nghị định 116, VAMA nhấn mạnh rằng thời gian thông quan hàng hoá từ 12 ngày đã tăng lên thành 37 ngày.