Trong báo cáo mới đây của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV về tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tới kinh tế, xã hội Việt Nam đã đưa ra những con số rất đáng lưu ý về tác động của dịch bệnh tới ngành tài chính ngân hàng.
Theo đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những khó khăn của cả doanh nghiệp và người dân sẽ là nguy cơ, rủi ro đối với hoạt động của ngành tài chính, các TCTD.
"Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù hoạt động kinh doanh của nhiều TCTD tiếp tục khả quan, nhưng nợ xấu đang gia tăng (dự báo tăng khoảng 8-10% so với cuối năm 2020); các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro với lộ trình 3 năm (2021-2023) cho các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 03 của NHNN (hiệu lực từ 17/5/2021). Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ sẽ còn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, người dân, dẫn đến nợ xấu tiếp tục tăng trong thời gian tới, có thể lên đến 2,5% cuối năm 2021", nhóm nghiên cứu nhận định.
Nhận thức được nguy cơ nợ xấu đang gia tăng, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và năm 2022.
Trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, NHNN cũng nêu rõ "đến cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08 ngày 24/2/2021".
Phương hướng sắp tới NHNN đề ra là "theo dõi sát tình hình, diễn biến nợ xấu để xây dựng các phương án xử lý nợ xấu phù hợp trong giai đoạn 2021-2025. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14".
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết hiệu lực (5 năm kể từ thời điểm ban hành). Cho đến thời điểm hiện tại, đã có những đánh giá khả quan về tác động của Nghị quyết tới vấn đề nợ xấu. Cũng có ý kiến rằng cần luật hoá Nghị quyết 42 để đủ thẩm quyền giải quyết căn cơ bài toán nợ xấu trong quá khứ và cả tương lai.
Để làm rõ hơn vai trò của Nghị quyết 42, cũng như phương hướng sắp tới trong xử lý nợ xấu, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, từng giữ vị trí Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) và có 3 năm làm Chủ tịch HĐTV VAMC.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng. Ảnh Internet.
Đánh giá về tác động của Nghị quyết 42 (NQ42) tới vấn đề xử lý nợ xấu, ông Hùng cho biết: Tác dụng tích cực nhất của NQ42 từ thời điểm được ban hành đến nay là đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm thay đổi nhận thức chung của xã hội về nợ xấu. Đó không phải là vấn đề riêng của ngành ngân hàng mà là hệ quả tất yếu của quá trình cấp tín dụng và trách nhiệm của người đi vay là phải trả nợ.
Thực tế trong tổng số nợ xấu được xử lý từ trước đến nay khoảng hơn 500.000 nghìn tỷ thì có quá nửa, khoảng 350.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý theo NQ42, nhưng trong số này thì người đi vay tự nguyện trả lên tới trên 40%, khoảng 150.000 tỷ, còn lại là do phát mại, xử lý tài sản đảm bảo theo NQ42 và giải pháp thu hồi nợ của TCTD. "Điều đó cho thấy NQ42 có hiệu ứng tích cực thể hiện trách nhiệm của khách hàng và người dân trả nợ cho ngân hàng. Rõ ràng ý thức của người dân trong vay, trả nợ ngân hàng ở ta là có vấn đề", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, qua 3 năm đi vào thực tế, ông Hùng cho biết, NQ42 cũng vẫn còn rất nhiều tồn tại do vướng các luật khác, vì không thể đứng trên luật.
"Dù NQ42 có quy định được phép xử lý các vụ án tranh chấp bằng hình thức rút gọn, Hội đồng Toà án Nhân dân tối cao cũng đã ra Nghị quyết 03 hướng dẫn thủ tục rút gọn, nhưng từ đó tới giờ vẫn chưa có vụ án nào được xử lý theo hình thức rút gọn vì NQ không thể đứng trên luật. Đây là vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay", ông Hùng nói.
Theo đó, ông Hùng đề xuất không nên kéo dài NQ42 mà nên trong quá trình sửa đổi các luật liên quan như Luật Dân sự, Luật TCTD thì lồng ghép quy định xử lý nợ xấu vào 1 chương, 1 mục phù hợp để có cơ sở xử lý trách nhiệm với các khoản nợ có vấn đề về sau.
"Luật hoá quy định về xử lý nợ xấu vì nợ xấu là hệ quả tất yếu với hoạt động tín dụng. Trong bối cảnh khách hàng không có ý thức trả nợ thì cần quy định pháp luật để xử lý, không thể coi đó là quan hệ giao dịch dân sự bình thường. Đưa vào luật sẽ để người dân hiểu, không trả nợ cũng không giao tài sản bảo đảm là một hình thức chiếm đoạt tài sản của ngân hàng", ông Hùng nói.
Ông Hùng chia sẻ, hiện NHNN đang thành lập cơ quan soạn thảo xử lý vấn đề nợ xấu, sửa Thông tư 02 quy trách nhiệm rõ ràng hơn, để đảm bảo xử lý rủi ro thu hồi nợ xấu, đảm bảo các giải pháp đồng bộ.
Trả lời về tiến trình thành lập Sàn mua bán nợ, ông Hùng cho biết: "Mua bán nợ khác với mua bán tài sản đảm bảo hay đấu giá tài sản đảm bảo. Mua bán nợ là kế thừa một khoản nợ. Chủ nợ có quyền kế thừa, trách nhiệm đôn đốc, thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo".
"Thành lập sàn mua bán nợ là cần thiết, phù hợp với nhu cầu tất yếu của thị trường. Ở đó người bán là ngân hàng, người mua có thể là doanh nghiệp, người dân, nên cần có đánh giá khoản nợ. Sàn giao dịch sẽ đóng vai trò thẩm định, phân tích, đánh giá khoản nợ, trả lời được những câu hỏi như: Khi kế thừa khoản nợ thì kế thừa cái gì? Doanh nghiệp đó có khả năng phục hồi? Rồi pháp lý của tài sản đảm bảo ra sao?... giúp minh bạch hoá thông tin được đưa lên sàn", ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết VAMC đã thành lập ban trù bị để thành lập Sàn mua bán nợ.