Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết "thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá".
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá...
Hầu hết các đại biểu bày tỏ nhất trí việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương; đồng thời để khai thác hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, đối với mức khởi điểm đấu giá biển số vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Theo dự thảo Nghị quyết, mức khởi điểm đấu giá biển số ô tô được chia làm hai vùng: Vùng 1 gồm Hà Nội, TP.HCM với mức 40 triệu đồng; vùng 2 là các địa phương còn lại với mức 20 triệu đồng.
Góp ý về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) cho biết, qua quan sát, nhận thấy người dân chia số đẹp thành 2 nhóm, nhóm theo quan niệm dân gian có các số 39, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo quy tắc khoa học 12121, 88899.
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Sử dụng, quản lý tài sản công năm 2017, Bộ Công an đã đề xuất cho đấu giá các biển số gồm 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số giống nhau, 3 chữ số giống nhau, số sau lớn hơn số trước, đây là nhóm sắp xếp theo quy tắc khoa học.
Cũng theo ông Cảnh, trong thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ô tô đã giúp giá trị của xe ô tô tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu khi có được biển số 5 số 9 đã bán lại 1,7 tỷ. Với quy định cho phép người trúng đấu giá được giữ lại biển số cho các xe tiếp theo của mình thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây.
"Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm số có các chữ số được sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số là những số bắt buộc đấu giá. Những số này sẽ có sẽ có mức giá khởi điểm là 200 triệu đồng", ông Cảnh đề xuất.
Theo ông Cảnh, đề xuất này có tính khả thi cao, vì theo cơ quan soạn thảo thì giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 tỷ đến 40 tỷ, nếu tính theo 5% thì sẽ là 150 triệu đến 2 tỷ, nên mức giá 200 triệu đồng là hợp lý.
Trong khi đó, tranh luận về áp dụng giá khởi điểm của 1 biển số ô tô đưa ra đấu giá chung trong cả nước nên ở mức nào, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, giá khởi điểm nên bắt đầu ở mức thấp hơn. Bởi việc giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân quan tâm có thể tham gia vào việc đấu giá lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.
"Làm như vậy thực hiện được mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước", đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhìn nhận.
Ngoài ra, khi mức giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao được cùng tham gia lựa chọn biển số xe ô tô theo nhu cầu, sở thích của mình. Do vậy, vị đại biểu này đề nghị cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế và lắng nghe ý kiến của người dân.
Về vấn đề này, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (tỉnh Hà Tĩnh) lại cho rằng, Nghị quyết đưa ra mức giá khởi điểm chung là 40 triệu đồng, không phân biệt vùng là quy định hợp lý, đảm bảo công bằng cho người đấu giá trên mọi miền tổ quốc. Quy định về cấp quyền đăng ký cũng phù hợp, đảm bảo lợi ích của người dân, tuy nhiên cần có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn, đảm bảo thuận tiện cho người dân.
"Cần quy định rõ, đưa tất cả các đầu số ra đấu giá, hay lựa chọn để đấu giá, nếu lựa chọn thì tiêu chí chọn các biển số đem đấu giá cần có quy định rõ ràng, cụ thể. Việc quy định tiêu chí càng cụ thể thì càng thuận tiện khi đưa vào áp dụng", đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nêu quan điểm.