Ông có nhận định gì về những yếu tố tác động tới khả năng kiểm soát lạm phát năm 2019?
Trong cuộc họp của Ban điều hành giá vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã khẳng định việc chắc chắn sẽ kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu. Đó là ý chủ quan của Chính phủ, vấn đề còn lại là sự điều hành của Chính phủ có đạt được mục tiêu hay không.
Trên thực tế, kiểm soát lạm phát không phải chỉ điều hành về giá cả hàng hóa trực tiếp, mà tác động trực tiếp đầu tiên là tác động của chính sách tiền tệ, thứ hai là chính sách tài chính, thứ ba là chính sách thương mại và thứ tư là công tác quản lý và điều hành giá. Lạm phát biểu hiện ở 2 vấn đề là sức mua đối nội (thể hiện chỉ số giá hàng hóa tiêu dùng) và sức mua đối ngoại (biểu hiện ở chính sách tỷ giá).
Có thể thấy, người ta nhìn nhận lạm phát chủ yếu là giá của một số mặt hàng, nhưng đó chỉ là tác động trực tiếp, bên cạnh đó có nhân tố tác động khác. Ví dụ, chính sách về điều hành tiền tệ, bao gồm chính sách điều hành về cung tiền, chính sách tín dụng, chính sách tỉ giá, chính sách về lãi suất. Trong quý I/2019 tăng trưởng tín dụng rất thấp, trong khi đó tăng trưởng tín dụng tiêu dùng khoảng 19%, chủ yếu vay mua nhà, sửa chữa nhà cửa, cái đó thì không đáng ngại. So với khu vực và so với Trung Quốc thì tốc độ, mức tăng trưởng tín dụng của chúng ta còn tương đối hợp lý, thấp hơn họ...
Với chính sách tỷ giá, năm nay FED tuyên bố không tăng lãi suất, chính sách điều hành tỷ giá chúng ta rất linh hoạt nên sẽ kiểm soát được. Lãi suất đang có xu hướng tương đối ổn định. Còn chính sách tài chính phải có tác động để chống thất thu, đảm bảo tăng thu đúng quy định, tăng thu nhưng đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu. Chính sách tài chính cũng tác động tới lạm phát ở chỗ cân đối thu chi phải hiệu quả...
Vai trò của công tác quản lý giá, đặc biệt là giá của một số mặt hàng quan trọng trong kiểm soát lạm phát 2019 sẽ như thế nào, thưa ông?
Công tác quản lý giá là vấn đề quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, người ta rất lo ngại về việc giá hai mặt hàng thiết yếu là điện và xăng đều tăng. Thế nhưng, tôi cho rằng giá điện tăng là tất yếu để đáp ứng cầu của điện trên thị trường và cầu của điện trên thị trường. Điều quan trọng là trong thời gian gần đây cả điện và xăng, 2 mặt hàng là đầu vào quan trọng của nhiều ngành trong nền kinh tế đều tăng sẽ gây ra những tác động cả trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp là vòng 1, có nghĩa là ngành nào tiêu dùng nhiều điện năng và tiêu dùng nhiều xăng dầu, ngành đó bị tác động mạnh nhất. Nhưng tác động vòng 2 là từ chi phí và giá thành sản xuất tăng lên, thông qua tiêu dùng sẽ làm cho tác động lan tỏa tăng theo.
Ví dụ như khi điện tăng thì sắt thép, xi măng, hóa chất tăng. Sản xuất xi măng dùng rất nhiều điện làm cho giá vật liệu này có khả năng tăng. Xăng cũng vậy, đặc biệt là khi chỉ số với giá xăng dầu diễn biến rất phức tạp, khó đoán.
Ông có thể phân tích rõ hơn giá xăng dầu tác động đến kiểm soát lạm phát như thế nào?
Ta thấy giá dầu từ tháng 3 đến nay tăng liên tục và xu hướng còn tiếp tục tăng. Đợt điều chỉnh 18/3, đáng lý thời điểm đó giá xăng dầu thế giới tăng thì mình cũng điều chỉnh tăng tương xứng. Nhưng vì tăng giá điện ngày 20/3 nên Nhà nước không tăng giá xăng dầu mà sử dụng quỹ bình ổn. Điều này làm cho giá xăng dầu không sát theo giá thế giới, gây tác động hệ lụy, khi mà giá dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng thì buộc kỳ sau phải tăng giá rất mạnh. Tôi cho rằng điều hành kiểu dồn nén thì bất lợi cho cả sản xuất lẫn tiêu dùng. Cách điều hành của các cơ quan chức năng Chính phủ là phải nhìn nhận, dự báo được trong tương lai và trong điều hành kinh tế phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Trong hai kỳ điều hành vừa qua, Nhà nước đã quá chú ý đến mục tiêu kiểm soát vĩ mô.
Kiểm soát lạm phát của 2019 đối mặt với khá nhiều thách thức, trong đó có dịch bệnh. Dịch tả lợn châu Phi hiện nay tác động ra sao đến giá cả thị trường dịp cuối năm, thưa ông?
Bao giờ trong thời gian dịch bệnh thì giá sẽ giảm, khi người dân không tiêu dùng sản phẩm. Vừa qua tốc độ tăng trưởng của chúng ta thấp hơn quý I năm ngoái. Một trong những nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp, một phần do dịch tả lợn châu Phi. Tác động lên mặt bằng giá trước mắt là giá giảm, nhưng sau khi giảm thì hiện nay giá đang khôi phục và tăng gần như trở lại. Nhưng trong tương lai nếu không tái đàn đúng, nguồn cung không đáp ứng đủ thì chắc chắn giá sẽ tăng lên. Khi giá lên buộc Nhà nước phải sử dụng công cụ thương mại là công cụ xuất nhập khẩu. Khi không sản xuất được trong nước mà phải NK thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nhập siêu, ảnh hưởng đến ngoại tệ, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Đấy là kể về mặt dịch bệnh, chưa kể thiên tai. Quý I/2019 mặc dù chỉ số giá 3 tháng tăng 2,65% nhưng đấy chỉ mới qua 1/4 thời gian, chúng ta vẫn còn 3/4 thời gian, do đó phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức, khó khăn.
Độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá cao, điều này có tác động như thế nào đến lạm phát 2019?
Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% có rất nhiều thách thức. Thách thức từ nội tại bên trong nền kinh tế của Việt Nam, khi mà kinh tế vĩ mô đã ổn định rồi nhưng chưa có cơ sở vững chắc. Những thách thức phía trước vẫn còn rất nhiều, chủ yếu là năng suất, chất lượng, hiệu quả của mình chưa còn cao, ví dụ như so với phát triển của các nước hiện nay thì trình độ phát triển của ta còn rất thấp. Đấy là yếu tố cốt lõi cực kỳ quan trọng làm cho lạm phát có khả năng tăng nhanh. Thứ hai là do yếu tố bên ngoài, tình hình thế giới luôn bất ổn, chúng ta đang trong hội nhập, độ mở nền kinh tế rất cao, ở mức 230%. Với độ mở cao như vậy, nếu có những biến động bên ngoài mà nội tại nền kinh tế chưa có sự phát triển ổn định thì chắc chắn tác động là rất lớn. Chúng ta nên hiểu, mục tiêu của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô, mà trụ cột quan trọng của kinh tế vĩ mô là kiểm soát lạm phát. Trụ cột thứ 2 là chính sách tỷ giá và trụ cột thứ 3 là giải quyết công ăn việc làm. Đó là 3 nội dung chủ yếu mà chúng ta phải hết sức cảnh giác đề phòng đối với vấn đề lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Xin cảm ơn ông!
Điều hành giảm mục tiêu lạm phát không phải chỉ nhìn một số mặt hàng mà phải nhìn một cách tổng thể để có giải pháp kiểm soát lạm phát. Trong đó, chính sách tiền tệ và tài chính là mấu chốt quan trọng nhất. Bên cạnh đó phải dùng cả công cụ chính sách về thương mại, phương pháp về quản lý giá, phương pháp quản lý thị trường. Đó là cái cực kỳ quan trọng, phải tránh điều hành giật cục.