TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, chất lượng hoạt động, khả năng sinh lời cải thiện… là những điểm sáng trong hoạt động ngân hàng năm 2018. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hoạt động ngân hàng trong năm 2019 sẽ tiếp tục được cải thiện nhưng cũng có thể đối mặt với nhiều áp lực, thách thức để có được kết quả như kỳ vọng.
Ông cho biết những thách thức mà các ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt trong năm nay?
Điều tôi thấy rõ nhất đó là môi trường kinh doanh năm 2019 khó khăn hơn. Biến động trên thị trường thế giới, chính sách kinh tế Trung - Mỹ nếu không được hóa giải mà lại leo thang sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế thế giới xuống dưới 3%. Kinh tế thế giới bất ổn chắc chắn sẽ tác động tới Việt Nam bị khi mà đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới, từ xuất khẩu đến đầu tư nước ngoài…
Nên năm 2019, nếu kinh tế thế giới rơi vào kịch bản xấu thì kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với khó khăn; và hệ thống ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khi tham gia Hiệp định CPTPP, đồng nghĩa với việc “cánh cửa” cho các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam được mở rộng hơn. Các ngân hàng trong nước sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh lớn với các ngân hàng nước ngoài vốn có thế mạnh về năng lực tài chính, trình độ quản trị và sản phẩm dịch vụ…
Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn đọng như nợ xấu, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, trước mắt là Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD với nhiều yêu cầu khắt khe theo chuẩn Basel II có hiệu lực vào đầu năm 2020. Nhưng hiện mới chỉ có 3 ngân hàng thực hiện được mà đích đến cận kề.
Vậy, các ngân hàng hóa giải áp lực trên bằng cách nào thưa ông?
Tôi nghĩ rằng, trong kế hoạch kinh doanh của năm phải được xây dựng chi tiết, với nhiều kịch bản để có giải pháp phù hợp đạt mục tiêu đề ra. Quan trọng là các ngân hàng phải nâng cao chất lượng quản trị, quyết liệt cải tổ vận hành HĐQT theo thông lệ quốc tế. Theo đó, HĐQT là nơi để đưa định hướng, giám sát ban điều hành chứ không trực tiếp tham gia điều hành. Hay nói cách khác, HĐQT phải trở về với vị trí quản trị thay vì can thiệp quản lý, bởi đấy là việc của ban điều hành. Có như vậy mới nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, việc tăng cường giám sát hoạt động ngân hàng để hạn chế rủi ro, nhất là liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn cũng sẽ giúp các ngân hàng kinh doanh vừa hiệu quả, vừa an toàn. Vấn đề nữa cũng rất quan trọng đó là đào tạo nhân lực ngân hàng, đặc biệt phải quan tâm nhiều đến đạo đức kinh doanh hạn chế tối đa sai phạm trong hoạt động ngân hàng.
Các ngân hàng cũng cần tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại để phát triển đa dạng sản phẩm ngân hàng. Hiện, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng tăng lên, nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính nhất là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao ngày càng lớn. Đây là cơ hội không thể bỏ qua nếu các ngân hàng muốn tăng nguồn thu từ dịch vụ.
Thời gian qua, các tổ chức tài chính nước ngoài đánh giá khả quan hơn về hệ thống ngân hàng của Việt Nam, thể hiện qua việc tăng tín nhiệm; nhưng chưa có sự tin tưởng một cách mạnh mẽ. Muốn gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài để họ tăng cường đầu tư vào hệ thống ngân hàng nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung vẫn còn cần có nhiều thay đổi. Theo đó, ngoài nỗ lực của từng ngân hàng, sự hỗ trợ của NHNN với chương trình hành động cụ thể để nâng cao vị thế tín nhiệm của quốc gia cũng như cả ngành Ngân hàng là rất cần thiết.
Theo ông, kết quả lợi nhuận tốt, khả năng sinh lời cao liệu có giúp các ngân hàng thu hút sự tham gia nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn không?
Báo cáo lợi nhuận tốt cũng là yếu tố có thể tác động đến quyết định của các nhà đầu tư. Nhưng với các nhà đầu tư nước ngoài, báo cáo về lợi nhuận chỉ mang tính tương đối. Khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một ngân hàng, họ không chỉ nhìn chỉ số lợi nhuận tốt trong 1 năm của ngân hàng đó mà họ đánh giá toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều họ chú trọng nhất khả năng đáp ứng tiêu chuẩn thông lệ quốc tế để hạn chế bớt được rủi ro kinh doanh. Vì vậy, các ngân hàng muốn thu hút được sự quan tâm nhiều hơn từ đối tác ngoại cần phải cải tiến hoạt động, đặc biệt đẩy nhanh lộ trình áp dụng theo chuẩn Basel II.
Xin cảm ơn ông!