Đà tăng trưởng ngoạn mục của TTCK Việt Nam từ đầu năm tới nay có dấu ấn không nhỏ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm đều tăng hàng chục phần trăm, thậm chí "tăng bằng lần", mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư nắm giữ.
Sự bứt phá mạnh của cổ phiếu ngân hàng đã giúp chỉ số VNFinLead (chỉ số chuyên về các cổ phiếu ngành tài chính) tăng tới 62%, bỏ xa đà tăng của VN-Index hay VN30 Index.
Lúc này, trong nhóm ngân hàng không còn cổ phiếu nào có thị giá dưới 20.000 đồng. Xét về vốn hóa, hầu hết các ngân hàng đều lên tới đơn vị "tỷ đô". Số liệu chốt phiên 31/5 cho biết có tới 17 ngân hàng đạt vốn hóa từ 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng) trở lên.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân vốn hóa trong nhóm ngân hàng với 366.000 tỷ đồng, gần bằng tổng vốn hóa 2 ngân hàng Vietinbank (198.000 tỷ đồng) và BIDV (196.000 tỷ đồng) cộng lại.
Trong khi đó, bộ đôi ngân hàng tư nhân Techcombank và VPBank đã có sự bứt phá ngoạn mục từ đầu năm, đưa vốn hóa của 2 ngân hàng này lần lượt đạt 188.000 tỷ đồng và 168.000 tỷ đồng, đồng thời "phả hơi nóng" vào nhóm các ngân hàng quốc doanh.
Các ngân hàng mới lên sàn chứng khoán cũng mau chóng gia nhập câu lạc bộ "tỷ đô", có thể kể tới như Seabank, Maritime Bank, OCB.
Bên cạnh những ngân hàng "tỷ đô" kể trên, hiện vẫn còn 9 ngân hàng chưa đạt cột mốc này, bao gồm BacA Bank, ABBank, NamA Bank KS Bank, NCB, VietBank, VietCapital Bank, PG Bank và SaiGon Bank. Trong đó, BacA Bank hiện đã tiệm cận mốc tỷ đô khi vốn hóa chốt phiên 31/5 đã lên tới 22.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng?
Dù đã tăng khá "nóng" từ đầu năm tới nay, tuy nhiên nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK BIDV (BSC) cho biết định giá các ngân hàng hiện vẫn ở mức hấp dẫn. Cụ thể, P/B forward toàn ngành ngân hàng đã đạt mức 1,8x, cao hơn mức BSC sử dụng để định giá toàn ngành do tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn; các catalyst trong năm 2021 giúp đánh giá lại giá trị và lãi suất vẫn tiếp tục ở mức thấp giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (trong đó có ngành ngân hàng) cao hơn. Do đó, BSC đã nâng kỳ vọng định giá của toàn ngành ngân hàng lên 2x PBR để khuyến nghị trong năm 2021.
BSC điều chỉnh tăng tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế (PBT) của toàn ngành lên mức lần lượt 408.312 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ và 177.777 tỷ đồng, tăng 34,8% điều chỉnh tăng so với báo cáo cũ lần lượt 4,6% và 6,4%.
Trong quý 2/2021, BSC cho rằng lãi suất trung bình sẽ tăng so với cùng kỳ do các khoản vay chủ yếu được tái cơ cấu và giảm lãi suất bắt đầu từ cuối quý 1/2021 và kéo dài hết 2021. Thêm vào đó, kỳ vọng lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động. Do đó NIM toàn ngành trong quý 2/2021 vẫn sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh so với cùng kỳ.
Cũng theo BSC, việc trích lập dự phòng của các ngân hàng cũng giảm bớt khi các khoản nợ tái cơ cấu giảm mạnh. Tỷ lệ CAR Basel II tiếp tục được giữ ở mức cao, và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn. Các tỷ lệ đều đảm bảo tốt tỷ lệ yêu cầu của SBV, và BSC kỳ vọng điều này sẽ được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, câu chuyện các cổ phiếu lên sàn và chuyển sàn, bán một phần công ty con và ký hợp đồng bancassurance là những nhân tố giúp ngành ngân hàng có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Với những yếu tố trên, BSC đã nâng định giá các cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021 lên mức khá cao. Trong đó, VCB có thể lên tới 135.000 đồng/cp, CTG lên 69.500 đồng/cp, TCB lên 71.500 đồng/cp, VPB lên 90.100 đồng/cp, MBB lên 50.300 đồng/cp…