Theo ông Cung, nhiều doanh nghiệp (DN) phấn khởi vì một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành làm khổ đơn vị nhiều năm đã thay đổi. Những năm gần đây, cơ quan chức năng đã giảm kiểm tra chuyên ngành khoảng 4.000 mặt hàng. Nhưng có trường hợp việc cắt giảm chỉ với nhóm có số lượng mặt hàng ít, còn nhóm có lượng mặt hàng lớn lại chưa được điều chỉnh.
“Tình trạng trùng lắp kiểm tra ở các bộ ngành vẫn diễn ra. Việc một mặt hàng chịu 2-3 bộ kiểm tra vẫn chiếm tới một nửa. Hoặc, có tình trạng, một mặt hàng bị 2-3 cục trong cùng 1 bộ kiểm tra. Vấn đề này cần được thay đổi nhanh chóng”, ông Cung kiến nghị.
Theo người đứng đầu CIEM, hiện nay có khoảng 350 văn bản quy định về kiểm tra chuyên ngành các bộ không đồng ý sửa vì liên quan tới luật. Nhưng các đơn vị này cũng không kiến nghị sửa luật.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa. Thủ tướng đề nghị các cơ quan phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%.
Nhắc lại yêu cầu cắt giảm 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra.
"Việt Nam là nơi thực thi tốt cam kết quốc tế. Chính phủ cải cách thể chế, các bộ ngành, địa phương bên dưới phải hành động. Tôi nói nhiều nhưng đồng chí không hành động, vẫn xảy ra nhũng nhiễu thì môi trường kinh doanh không thuận lợi được".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc