Một số người đã đóng khung bằng cấp. Những người khác đóng khung ảnh với những người nổi tiếng. Trong khi đó, Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, đóng khung một bản in 16 năm trước của tạp chí Businessweek.
Hôm 17/5, nhà sáng lập Amazon đã tweet về một bức ảnh trên trang bìa của tạp chí Businessweek phát hành tháng 11/2006, với hình ảnh của Bezos ở tuổi 42 đằng sau dòng chữ “Amazon’s Risky Bet” (tạm dịch: Vụ đánh cược rủi ro của Amazon). Câu chuyện trang bìa nói về lý do tại sao các lãnh đạo cao cấp Phố Wall nghi ngờ về tính khả thi của nền tảng đám mây Amazon Web Services (AWS).
“Tôi đã đóng khung trang bìa BusinessWeek năm 2006 cũ này như một lời nhắc nhở", Bezos, hiện 58 tuổi, viết trong tweet. "Ván cược đầy mạo hiểm từng bị Phố Wall chỉ trích ngày ấy chính là AWS, dịch vụ giúp Amazon thu về hơn 62 tỷ USD vào năm ngoái".
Ảnh bìa tạp chí BusinessWeek vào năm 2006. Ảnh: Twitter.
Năm 2006, Amazon có giá trị vỏn vẹn 10 tỷ USD, theo Businessweek - và các nhà đầu tư cũng như nhà phân tích đã “mất niềm tin vào những lời hứa của Bezos”. Bài báo viết về việc Bezos đã chi tiêu không đúng lúc và lưu ý rằng các khoản đầu tư của ông vào các công nghệ mới như điện toán đám mây đã tăng 52% kể từ tháng 1 năm đó, trong khi cổ phiếu của Amazon giảm 20%.
Cụ thể, Businessweek coi Amazon Web Services là “vụ đặt cược mạo hiểm lớn nhất của Bezos” kể từ khi ông khởi nghiệp với lĩnh vực công nghệ năm 1994.
Ngày nay, nền tảng điện toán đám mây được biết đến với việc giúp cách mạng hóa thế giới thị trường trực tuyến và là một yếu tố quan trọng đằng sau mức vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD của Amazon.
Năm ngoái, Amazon Web Services đạt doanh thu 62,2 tỷ USD. Báo cáo tài chính của Amazon cũng chỉ ra công nghệ này đóng góp lớn vào lợi nhuận của hãng trong năm 2022. Cụ thể, trong quý I, AWS đã mang về 6,52 tỷ USD thu nhập kinh doanh trong khi tổng thu nhập kinh doanh của Amazon chỉ đạt 3,7 tỷ USD.
Phân tích của Businessweek không hoàn toàn sai. Amazon đã tạo dựng được danh tiếng trong những năm qua khi đặt cược lớn vào các công nghệ mới và sử dụng lợi nhuận từ những thành công này để “hỗ trợ” cho những thất bại khác.
Vào năm 2014, Amazon đã lỗ 170 triệu USD vì những chiếc điện thoại Firephone chưa bán được. Năm 2019, công ty đóng cửa 87 cửa hàng pop-up và tạm dừng dịch vụ giao hàng nhà hàng. Hãng cũng đã ngừng phát triển nút đặt mua hàng tự động Amazon Dash.
Những thất bại dường như không làm nản lòng Bezos, người thường nói rằng rủi ro - và thất bại - là cái giá của sự thành công.
“Chúng ta cần những thất bại lớn nếu chúng ta muốn đạt được thành công - những thất bại quy mô hàng tỷ USD,” Bezos nói tại một sự kiện năm 2019.