Chủ trương đúng
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết, để phát triển sản xuất nông nghiệp (NN) theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị, hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho cư dân nông thôn khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2011, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND về việc quy định cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương "dồn điền, đổi thửa" đất NN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2011 - 2015 (thay thế Quyết định 58/2007/QĐ-UBND, gọi tắt là Cơ chế 23).
“Đến nay, việc triển khai Cơ chế 23 của tỉnh đã thu được nhiều kết quả đáng kể, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM…” – ông Muộn nói.
Cánh đồng Tràm ở thôn 1 Châu Bí, xã Điện Tiến trước đây ruộng bậc thang, sản xuất manh mún. Sau khi được cải tạo, cánh đồng rất bằng phẳng, năng suất lúa đã tăng lên gấp đôi. ảnh: Đoàn Hồng
Ông Mai Đình Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2011, thực hiện Cơ chế 23, toàn tỉnh thực hiện cải tạo đồng ruộng, DĐĐT được hơn 6.037,6ha tại 9 huyện, thành phố (với 50 xã, 192 thôn thực hiện); nâng diện tích được DĐĐT từ trước đến nay lên 17.877,3ha (chủ yếu là trên đất lúa).
“Ngân sách tỉnh phân bổ cho các địa phương là 29.664,9 triệu đồng để thực hiện. Bên cạnh đó, cùng với nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ, ngân sách địa phương (gồm huyện, xã) và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để bê tông hóa, cứng hoá đường giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương trên các cánh đồng đã DĐĐT, góp phần nâng mức độ đạt chuẩn các tiêu chí về giao thông, thuỷ lợi trong xây dựng NTM…” – ông Lợi nhấn mạnh.
Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, khuyết điểm, tồn tại của sản xuất NN trước đây là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không có số lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là chi phí cao, đầu ra thiếu ổn định. Chính vì vậy, chủ trương cải tạo đồng ruộng, DĐĐT của tỉnh ban hành là rất kịp thời để khắc phục những hạn chế, tồn tại này.
“Sau khi có chủ trương, Điện Bàn đã nhanh chóng chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng phương án cải tạo đồng ruộng, DĐĐT đất sản xuất NN. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt cánh đồng đã được triển khai, những cánh đồng trước đây ruộng bậc thang, thiếu nước, nhiễm phèn, năng suất ít… nay trở thành những cánh đồng trù phú, sản xuất thuận lợi nên bà con nông dân vô cùng phấn khởi” – ông Dũng chia sẻ.
Hiệu quả cao
Việc triển khai công tác cải tạo đồng ruộng, DĐĐT, xây dựng các công đồng mới được diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh, trong đó thị xã Điện Bàn là địa phương đi đầu. Nhờ sự quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân nên đến nay, toàn thị xã Điện Bàn đã có 6 địa phương thực hiện xong DĐĐT (gồm các xã Điện Phước, Điện Quang, Điện Minh, Điện Thọ, Điện Hồng và phường Điện An), các xã còn lại đã và đang tiếp tục thực hiện khá hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn) cho biết: Từ một xã có diện tích đất sản xuất lúa (390ha) khá manh mún, ruộng bậc thang, sản xuất chỉ được 1-2 vụ/năm, năng suất lúa khá thấp…, sau khi có chủ trương về cải tạo đồng ruộng và DĐĐT, xã Điện Tiến đã xây dựng phương án, sắp xếp và chỉnh trang lại các cánh đồng.
Chỉ thị 23 là động lực thúc đẩy sản xuất NN, kích thích nông dân tham gia sản xuất hàng hoá. Nhiều diện tích sau khi DĐĐT đã được các địa phương xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật với diện tích gieo trồng 8.000ha”. Ông Lê Muộn |
“Năm 2016 - 2017, xã đã thực hiện DĐĐT 40ha tại các cánh đồng như: Đồng Tràm, đồng Dương, đồng Châu Bí, đồng Ngãi… Hầu hết các cánh đồng này trước khi cải tạo, đất đai cằn cỗi, thiếu nước sản xuất, năng suất thấp. Sau khi được cải tạo và đưa vào sản xuất, các cánh đồng này trở nên hiệu quả hơn, năng suất tăng lên 52-54 tạ/ha (trước đây năng suất chỉ đạt 32-36 tạ/ha)” - ông Thanh phấn khởi cho hay.
Đang thăm đám ruộng của mình tại cánh đồng Tràm, lão nông Lê Hùng (trú thôn 3 Châu Bí) cho biết, trước đây sản xuất của bà con nông dân tại cánh đồng này rất khó khăn, đất bị nhiễm phèn, thiếu nước tưới nên làm 1 sào chỉ được vài chục ang lúa (27-30 ang lúa/vụ/sào). Tuy nhiên, từ năm ngoái, UBND xã đã cho cải tạo cách đồng này thì hiệu quả đã tăng lên rõ rệt. “Vụ vừa rồi gia đình tôi sản xuất 3 sào lúa (1.500m2), năng suất tăng lên gấp đôi, chi phí lại giảm nên thu nhập cũng cao hơn…” - lão nông Lê Hùng cho hay.
Ông Đoàn Ngọc Biên – Trưởng thôn 1 Châu Bí đánh giá: “Cải tạo và DĐĐT là chủ trương hợp lòng dân, hiệu quả đem lại khá thiết thực nên bà con nhân dân trong thôn ai nấy đều phấn khởi hẳn lên…”.