Có một câu nói cũ trong làng chính trị rằng các cử tri sẽ bỏ phiếu bằng túi tiền của mình, hay một nền kinh tế khỏe mạnh thường giúp sức đắc lực cho đương kim tổng thống trong khi một nền kinh tế yếu kém sẽ gây hại cho ông ta.
Tuy nhiên, điều này không còn đúng đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, khi vai trò của kinh tế không còn rõ ràng nữa.
Theo như dữ liệu của cuộc thăm dò, đánh giá về nền kinh tế được thúc đẩy không phải chỉ bởi hiệu suất thực tế mà bởi đảng phái mà cử tri ủng hộ. Cử tri có xu hướng nhìn nhận nền kinh tế là tốt khi đảng của họ đang nắm quyền và ngược lại. Cùng lúc này, những vấn đề khác như đại dịch Covid-19, phong cách lãnh đạo và vấn đề chủng tộc đang là những nhân tố tác động lớn tới lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử và giúp làm giảm đi vai trò của kinh tế đối với cử tri.
Tổng thống Trump gần như thống trị trong số liệu về các vấn đề kinh tế so với số liệu về vấn đề việc làm:
Hơn nữa, vấn đề kinh tế bản thân nó cũng trở nên khó lòng kiểm soát. Một nền kinh tế đang trên đà mở rộng với mức tăng kỷ lục được đánh dấu bằng tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt thấp và chứng khoán liên tục lập đỉnh có lẽ sẽ biến thành một cuộc suy thoái ngắn nhưng sâu nhất sau khi đại dịch ảnh hưởng tới Hoa Kỳ. Phục hồi đã bắt đầu nhưng quỹ đạo của nó thì còn chưa rõ ràng và lại đi kèm với nợ lớn.
Với Tổng thống Trump, đây là một tin vừa vui lại vừa không vui khi mà tình hình kinh tế không còn liên quan mật thiết tới chiến dịch tranh cử của ông. Tin tốt đó là ông sẽ không quá bị cử tri đổ lỗi cho tình trạng khủng hoảng kinh tế trong năm nay. Ngài Trump vẫn ghi điểm cao trong cách ông điều hành nền kinh tế. Vào tháng 07, 54% người tham gia khảo sát của Wall Street Journal/NBC News đồng tình với cách ông điều hành nền kinh tế, tăng so với mức 49% vào tháng 08/2019.
Tin xấu đó là mặc dù một số cử tri đánh giá ông là một nhà điều hành kinh tế tổt hơn ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden, tuy nhiên họ nói rằng họ không có kế hoạch bầu lại ông cho chức Tổng thống nữa. Theo cuộc thăm dò vào tháng trước của Wall Street Journal/NBC News, có 48% cử tri nói ông Trump là ứng viên thích hợp để điều hành nền kinh tế nhưng chỉ có 41% cử tri nói họ sẽ tiếp tục bầu ông. Trong khi đó, 38% cử tri cho rằng ông Biden là ứng viên tốt hơn đối với các vấn đề về kinh tế thì tới 50% nói rằng họ sẽ bầu cho ông.
Kinh tế đã là trọng tâm của nhiều chiến dịch tranh cử trước đây. Ronald Reagan trong chiến dịch tranh cử năm 1980 đã đưa ra khẩu hiệu "Liệu bạn sẽ trở nên tốt hơn so với bốn năm trước ?". Điều này đã giúp ông đánh bại tổng thống đương nhiệm thời điểm đó là Jimmy Carter. Một thông điệp khác được Bill Clinton ngầm sử dụng trong chiến dịch của ông năm 1992 "Đó là vấn đề kinh tế, hỡi những gã khờ khạo", được cho là đã giúp ông đánh bại George H.W.Bush (Bush cha).
Patrick Murray, người thực hiện cuộc thăm dò tại Đại học Monmouth, đã nói rằng "Đây là một cuộc bầu cử mà các vấn đề khác như vấn đề sắc tộc và lòng trung thành che mờ đi những nhân tố kinh tế, điều mà thường là yếu tốt thay đổi cục diện tại các cuộc bẩu cử".
Justin Rios, một công nhân kho xưởng 31 tuổi, đã có được một công việc tốt trong giai đoạn ông Trump cầm quyền, được tăng lương và chuyển nhà tới khu vực mới ở phía bắc Philadelphia. Anh tạm nghỉ ở nhà một thời gian do tác động của dịch bệnh và nhận trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, anh đã đi làm trở lại. Anh cho rằng, khi anh bầu cho ông Trump vào cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, kinh tế không phải là lý do chính. Anh tin rằng ông Trump sẽ thực hiện điều ông nói là ông sẽ làm như việc chuyển đại sứ quán của Hoa Kỳ tại Israel về Jerusalem và anh ta thực sự thích điều này.
David Harper, 36 tuổi, một nghệ sĩ tới từ Philadelphia, nói rằng anh có nguồn thu nhập tốt cho tới khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Vào năm 2018, các tác phẩm điêu khắc và các tác phẩm khác của anh thu hút được sự chú ý của nhiều bảo tàng và các khách hàng cá nhân. Anh và vợ anh, Karen Patterson, đã mua một căn nhà tại phía bắc Milwaukee, bang Wisconsin, sau đó sửa lại, bán đi và thu lợi được hơn 50% . Năm ngoái, họ chuyển tới Philadelphia và mua thêm một căn nhà nữa.
Sau khi dịch bệnh Corona xuất hiện, có hai khách hàng chấm dứt kế hoạch mua những tác phẩm lớn và công việc của anh tại bảo tàng trở nên không chắc chắn. Nhưng vào cuộc bầu cử tháng 11 tới, Harper nói rằng vấn đề suy thoái kinh tế không phải lý do thúc đẩy việc anh bầu cho ông Biden. Mà chủ yếu là anh không tán thành với tác phong cũng như quan điểm của ông Trump về các vấn đề xã hội.
Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 08 đã chỉ ra 35% công chúng cho rằng dịch bệnh là vấn đề quan trọng nhất mà quốc gia này đang đương đầu và 22% cho rằng sự lãnh đạo của chính phủ là vấn đề quan trọng. Các vấn đề kinh tế như thất nghiệp hay nền kinh tế nói chung chỉ xếp thứ ba với tỷ lệ 12% và chỉ xếp trên các vấn đề về sắc tộc.
Optimus Analytics, một hãng thu thập số liệu với khách hàng gồm các quỹ đầu cơ và các chiến dịch tranh cử, đang thay đổi các mô hình dự đoán của mình do sự thay đổi về quan điểm của chính hãng này. Trong mô hình của họ, thiên hướng nghiêng về đảng phái tăng lên thêm 20% so với thập niên 1990 trong khi các vấn đề kinh tế như thất nghiệp giảm xuống 60%.
Mark Zandi, kinh tế gia chủ chốt của Moody Analytics, cũng đã phải thay đổi mô hình dự đoán của mình. Ông nói rằng, mức ảnh hưởng của các vấn đề về kinh tế đã giảm xuống mặc dù nó vẫn là những nhân tố tác động, đặc biệt là tại các bang có khả năng thay đổi (swing state) như Florida và Pennsylvania hoặc thậm chí ở hạt ngoại ô của các bang trên nơi mà cử tri không tiết lộ quan điểm của mình.
Ông Zandi nói rằng ông đang theo sát bang Pennsylvania. Tỷ lệ thất nghiệp của bang này vào tháng 07 đã chạm mốc 13,7%, cao hơn mức trung bình của quốc gia là 10,2% vào thời điểm đó. Ngành công nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại trong khi các thành phố thì bị dịch bệnh hoành hành. Ông Zandi cho rằng những điều này có thể giúp ích cho ông Biden.
Trong các bang có khả năng thay đổi khác, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống nhiều. Ví dụ tại Wisconsin, tỷ lệ này là 7% vào tháng 07. Mô hình dự đoán của Moody Analytics cho rằng kết quả chung cuộc thì còn quá sớm để khẳng định và còn phụ thuộc nhiều vào cử tri tham dự, một điều mà rất khó để dự đoán được.