Tọa đàm được tổ chức nhằm hướng tới việc xây dựng hình ảnh cán bộ nữ trong ngành Hải quan và một số doanh nhân nữ tiêu biểu, thông qua đó tăng cường hợp tác giữa Hải quan và doanh nghiệp trong tạo thuận lợi thương mại.
Trong buổi tọa đàm, Giám đốc dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ nói rằng, sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế với tư cách là chủ doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng đã được chứng minh dẫn đến tăng trưởng kinh tế bền vững và mạnh mẽ hơn.
Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company ước tính, nếu vai trò của phụ nữ trên thị trường lao động giống với nam giới, thì tổng sản phẩm quốc nội chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 12%, lên 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Hiện nay, USAID đang làm việc với Tổng cục Hải quan Việt Nam để chuẩn hóa các thủ tục hải quan, tăng cường phối hợp cấp trung ương và địa phương, đồng thời nâng cao năng lực của các cán bộ công chức Hải quan. Mục tiêu bao trùm của Dự án là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp, thương nhân và nhà đầu tư.
Trên thực tế, tỷ lệ tương đối thấp của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo trên toàn cầu càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, chỉ 1/4 lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị là phụ nữ. Đây là một sự lãng phí tài năng, đặc biệt là khi các nền kinh tế đang trải qua sự già hóa dân số, lực lượng lao động sụt giảm và tình trạng thiếu lao động có tay nghề đang gia tăng.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Ngọc Liên, chuyên gia về bình đẳng giới và kinh tế của Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (USAID TFP) chia sẻ: "Sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong thương mại không chỉ có lợi cho bản thân họ và gia đình, mà còn mang thêm giá trị vượt trội cho nền kinh tế nhờ mở rộng thị trường tiêu dùng đặc thù. Trong đó, phụ nữ vừa đóng vai trò là người lao động, vừa đóng vai trò là người tiêu dùng; đồng thời làm tăng tính hòa nhập xã hội hướng đến phát triển hài hòa và bền vững hơn".
Hiện nay, ngành Hải quan là ngành quan trọng nhất trong tạo thuận lợi thương mại. Chính vì thế, phụ nữ trong ngành Hải quan được đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, đội ngũ nữ cán bộ công chức Hải quan Việt Nam đã có đóng góp rất lớn vào thành tích chung của ngành Hải quan.
Tính đến hiện tại, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhất là lãnh đạo cấp Vụ, Cục. Cụ thể, có 14 lãnh đạo nữ/189 lãnh đạo cấp vụ, cục trong toàn ngành. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ ở cấp Phòng, Đội, Chi cục Hải quan ngày càng tăng về số lượng và mở rộng phạm vi hoạt động.
Buổi tọa đàm không chỉ tập trung vào mỗi cán bộ nữ của ngành Hải Quan mà rộng ra hơn nữa là vấn đề bình đẳng giới trong thuận lợi thương mại. Vấn đề bình đẳng giới đang được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự toàn cầu, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm. Qua đó, vai trò và đóng góp của phụ nữ trong tạo thuận lợi thương mại ngày càng được coi trọng.
Tuy vấn đề bình đẳng giới đang được cải thiện từng ngày nhưng vẫn còn tồn đọng một số vấn đề cần giải quyết. Theo chuyên gia của Dự án USAID TFP, có một khảo sát do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, có đến 34% phụ nữ than phiền về sự thô lỗ và thiếu lịch sự tại các cửa khẩu và 54% nhắc đến các nguy cơ bị sàm sỡ nhiều hơn so với tỷ lệ của nam giới.
Bên cạnh đó, vấn đề về cửa khẩu, phụ nữ kinh doanh quy mô nhỏ hay những người phụ nữ buôn bán nhỏ là nhóm dễ bị tổn thương nhất. Nhóm người này dễ bị coi thường, bị hạch sách, không được đối xử ngang bằng so với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, họ dễ bị quấy rối tình dục bởi nhân viên, những người có quyền phê duyệt hồ sơ của họ trong khi chờ đợi tại cửa khẩu.
Theo chuyên gia tại buổi tọa đàm, vấn đề về quấy rối và lạm dụng tình dục vẫn còn phổ biến và chưa được xử lý hiệu quả. Chính vì thế, những vấn đề này được cần được quan tâm và xử lý triệt để.