"Vấn đề nới room chiếm 80% bức xúc của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc", đó là chia sẻ của ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019 diễn ra ngày 22/2 tại Hà Nội.
Chủ tịch Dragon Capital cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét lại điều 23 của Luật Đầu tư liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam có sở hữu nước ngoài trên 51% thì xem là doanh nghiệp ngoại. Đây là điều không phù hợp, tạo ra cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp.
Chứng khoán là nơi giữ tiền, tài sản
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, chia sẻ rằng ông đã đồng hành cùng thị trường chứng khoán hơn 18 năm nay, từ những bước đi dò dẫm kiểu "ném đá dò đường" đến nay chứng khoán đã thực sự trở thành kênh dẫn vốn của nền kinh tế. Quy mô vốn hoá thị trường vượt 3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 72% GDP năm 2018.
Để thị trường chứng khoán Việt trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp theo vị doanh nhân này chỉ có hai từ đó là niềm tin và minh bạch.
"Thị trường chứng khoán bản thân không sinh ra tiền, mà nằm ở tài khoản tiết kiệm. Ở các nước, tiền tiết kiệm của cá nhân để đầu tư rất lớn do đó phải xây dựng cơ chế để thị trường chứng khoán phát triển song song với kênh ngân hàng. Vậy nhưng, hiện nay tất cả mọi người đang hình dung thị trường chứng khoán là nơi mua ra bán vào, kiếm lợi nhuận, họ không nghĩ đến chứng khoán cũng là nơi giữ tiền, tài sản.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI - Ảnh: Quang Phúc.
Các ngân hàng đang được ưu ái rất nhiều, khi xảy ra vấn đề được Ngân hàng Nhà nước đứng ra bảo lãnh, trấn an dư luận, khẳng định không ảnh hưởng... trong khi đó Uỷ ban Chứng khoán lúc nào cũng nói thị trường chứng khoán phải lớn hơn nữa, nhưng lại trói buộc chặt chẽ. Cũng như cho con học võ nhưng lại trói chân, trói tay", ông Hưng nói.
Vị này cho rằng trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các định chế tài chính trung gian và các thành viên thị trường phải làm sao tạo niềm tin cho nhà đầu tư, xây dựng chứng khoán thành kênh giữ tiền, giữ tài sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự đồng hành cùng nhà đầu tư, coi họ là chủ thực sự.
Với các nhà đầu tư cá nhân, ông Hưng cho rằng đây là "chỗ đau đầu nhất bởi họ đầu tư rất nhỏ nhưng khi mất thì kêu rất to". Nhà đầu tư cá nhân có lượng vốn nhỏ, cần phải hướng dòng tiền của họ đến các quỹ đầu tư chỉ số trung gian. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ không sợ thua lỗ, điều họ sợ nhất là không công bằng, không minh bạch còn thị trường luôn có thắng và thua, trường hợp thua thì phải chịu.
Ông Hưng cũng đưa ra giải pháp cần phải xây dựng các rổ chỉ số linh động hơn, cho phép các định chế tài chính trung gian được tham gia xây dựng chỉ số.
Nhà đầu tư nước ngoài bức xúc chuyện nới room
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cho biết, ở các thị trường phát triển, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tham gia chiếm 50-70%, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, Việt Nam có tình trạng ngược lại.
"Thị trường chứng khoán thiếu các tổ chức, doanh nghiệp tham gia và bị ảnh hưởng bởi quyết định của nhà đầu tư cá nhân, đồng thời cũng gây khó khăn cho các nhà đầu tư này. Điều này khiến hoạt động thị trường thiếu ổn định", ông Dominic nói.
Theo đó, ông kiến nghị Chính phủ, bộ ngành giải quyết các vướng mắc còn lại sớm thành lập quỹ hưu trí tự nguyện và mở đường cho loại hình tổ chức khác tham gia vào thị trường, đồng thời đa dạng sản phẩm đầu tư, đa dạng của thị trường vốn. Đây là nguyên vọng lớn nhất hiện nay của ông.
Vị doanh nhân này cho hay, vấn đề nới room ngoại được nhà đầu tư rất quan tâm vì liên quan trực tiếp đến xem xét nâng hạng của chứng khoán Việt.
"Vấn đề nới room chiếm 80% bức xúc của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Chính phủ cần xem xét lại điều 23 của Luật Đầu tư liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam có sở hữu nước ngoài trên 51% thì xem là doanh nghiệp ngoại. Đây là điều không phù hợp, tạo ra cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp.
Đối với khối ngân hàng, hiện nhiều ngân hàng thương mại đang nỗ lực tăng vốn do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng mở room ngoại từ 30% lên 39%", Chủ tịch Dragon Capital cho hay.
Huy động vốn trung và dài hạn: chứng khoán hay ngân hàng?
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: Quang Phúc.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng đạt 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP trong khi quy mô thị trường chứng khoán hiện tại ở mức 3 triệu tỷ đồng.
"Con số này là vốn hoá thị trường, còn phần tài sản thật thấp hơn rất nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp vốn hoá lớn hình thành từ vốn nhà nước, chỉ một số ít doanh nghiệp tư nhân tự huy động vốn lớn.
Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, năm 2018 các doanh nghiệp huy động qua kênh trái phiếu khoảng 100.000 tỷ đồng, song vẫn tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như Masan, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai... và bên mua cũng chủ yếu là các tổ chức tài chính, ngân hàng. Do đó, việc huy động vốn trung và dài hạn hiện nay vẫn đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng thương mại", bà Hồng nói.
Năm 2018, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân, được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018.
Tổng giá trị huy động vốn qua chứng khoán năm 2018 đạt hơn 278.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp huy động được hơn 86.000 tỷ đồng.
Dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng trên chứng khoán Việt Nam trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở các thị trường trong khu vực. Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD và đặc biệt là có 1 phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD.
Tính chung trong cả năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn.
Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên thị trường chứng khoán vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.