Vạn Đức Tiền Giang đang là cái tên gây nhiều chú ý trong ngành xuất khẩu thủy sản. Trong 7 tháng đầu năm 2021, doanh số xuất khẩu của công ty tăng gần 42% lên 51,3 triệu USD – đứng thứ 11 về kim ngạch xuất khẩu thủy sản và thứ 4 trong phân khúc xuất khẩu cá tra – đứng sau Vĩnh Hoàn (149 triệu USD), Biển Đông Seafood (71 triệu USD) và Nam Việt (55 triệu USD).
Trước đó kim ngạch xuất khẩu của Vạn Đức Tiền Giang cũng tăng 77% trong năm 2020 lên 66,5 triệu USD. Tại thị trường Mỹ, công ty đứng thứ 3 chỉ sau Vĩnh Hoàn và Biển Đông.
Như vậy, trên đà tăng tốc mạnh mẽ, Vạn Đức Tiền Giang đang trở thành đối thủ lớn của Vĩnh Hoàn. Điều đáng chú ý là Vạn Đức Tiền Giang từng là công ty con của Vĩnh Hoàn trong giai đoạn từ cuối năm 2014 đến năm 2018. Đến năm 2019, Vĩnh Hoàn thoái nốt 35% vốn tại công ty này.
Động thái thoái vốn của Vĩnh Hoàn khi đó gây nhiều bất ngờ khi những năm đầu nắm quyền kiểm soát, Vạn Đức Tiền Giang theo đánh giá của lãnh đạo Vĩnh Hoàn đã có bước phát triển rất tốt, giúp công ty mẹ gia tăng năng lực sản xuất, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của ngành nghề cá tra cốt lõi.
Dữ liệu cho thấy năm 2014 sau 5 tháng về một nhà, Vạn Đức Tiền Giang đóng góp 530 tỷ doanh thu cho Vĩnh Hoàn. 1 năm sau, doanh thu thuần năm 2015 của đơn vị này tăng 38% lên 1.553 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 92 tỷ đồng. Liên tục tăng vốn cũng như đầu tư mở rộng Vạn Đức Tiền Giang, đến năm 2016 Vĩnh Hoàn chính thức sở hữu 100% vốn, doanh thu đóng góp tiếp tục tăng 16% lên 1.801 tỷ đồng. Ghi nhận đến cuối năm 2017, Vạn Đức Tiền Giang đạt doanh thu 2.078 tỷ, đóng góp gần 25,5% tổng doanh thu và lãi sau thuế gần 178 tỷ đồng, chiếm hơn 29% tổng lợi nhuận Vĩnh Hoàn.
Đến tháng 2/2018, HĐQT Vĩnh Hoàn quyết định thu hồi phần vốn thặng dư của Vạn Đức Tiền Giang, đồng thời tăng vốn điều lệ của Công ty này lên hơn 872,6 tỷ đồng bằng hình thức nhận góp vốn của một đơn vị đầu tư khác bằng tiền mặt.
Việc bán ra Vạn Đức Tiền Giang là thời điểm Vĩnh Hoàn cũng tái cấu trúc tại một số khoản đầu tư, mục đích củng cố nguồn tài chính để phát triển vùng nuôi cũng như giảm gánh nặng lãi vay.
Hai "đối thủ" có chung Chủ tịch
Câu chuyện về sự chia tay của Vĩnh Hoàn – Vạn Đức Tiền Giang sau một thời gian dài không còn được chú ý cho đến cuối tháng 7 năm nay khi xuất hiện một đơn kêu cứu do chủ tịch Vạn Đức Tiền Giang là bà Trương Thị Lệ Khanh gửi Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn liên quan đến việc tỉnh Tiền Giang khi đó có thông báo tạm dừng hoạt động doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".
Lúc này nhiều cổ đông của Vĩnh Hoàn mới bất ngờ nhận ra chủ tịch của công ty vẫn đồng thời là chủ tịch của "đối thủ" đang vươn lên mạnh mẽ. Nhiều đã đầu tư đã băn khoăn liệu việc này có gây ra xung đột lợi ích tương tự như một số tiền lệ khác. Đặc biệt là khi cả 2 công ty đều có chung một số thị trường xuất khẩu chính.
Trên báo cáo tài chính của Vĩnh Hoàn, Vạn Đức Tiền Giang xuất hiện trong phần bên liên quan với mối quan hệ là "Công ty liên quan của Chủ tịch HĐQT". Hai bên có 1 số giao dịch mua bán hàng hóa tuy vậy giá trị giao dịch không lớn.
Cơ cấu sở hữu của Vạn Đức vào tháng 6/2019 khi Vĩnh Hoàn chuyển nhượng 35% vốn cho Hữu Phước Food