Công ty mẹ sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp là Meta cho biết trong báo cáo thu nhập hôm thứ Tư tuần trước rằng Facebook đã mất những người dùng lần đầu tiên trong lịch sử 18 năm tồn tại của mình, giảm khoảng nửa triệu người dùng trong ba tháng cuối của năm 2021.
Việc xóa bỏ Facebook diễn ra nhiều nhất ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Ấn Độ. Giá cổ phiếu của Meta đã giảm 26% vào thứ Năm, "thổi bay" 230 tỷ USD (200 tỷ euro) giá trị thị trường của nó. Bloomberg đưa tin Giám đốc điều hành Meta - Mark Zuckerberg - có thể thấy 24 tỷ USD (21 tỷ Euro) đã "bốc hơi" khỏi tài sản cá nhân của mình do cổ phiếu giảm giá.
Meta đổ lỗi cho lạm phát và chuỗi cung ứng bị gián đoạn và cho rằng những điều này đang ảnh hưởng đến ngân sách của các nhà quảng cáo. Công ty cũng cho biết họ đang phải đối mặt với những thất bại do những thay đổi về quyền riêng tư của Apple đối với hệ điều hành IOS và đã làm gia tăng sự cạnh tranh dành cho người dùng từ các đối thủ như TikTok.
"Mọi người có rất nhiều lựa chọn về cách họ muốn sử dụng thời gian của mình và các ứng dụng như TikTok đang phát triển rất nhanh", CEO Mark Zuckerberg nói với AFP News.
Một lý do khác dẫn đến sự sụt giảm người dùng Facebook là sự thiếu tin tưởng vào nền tảng truyền thông xã hội kể từ cuộc khủng hoảng Cambridge Analytica và những tiết lộ gần đây của người tố giác là cựu nhân viên Facebook Francis Haugen. Những tiết lộ này cho thấy công ty đã thất bại trong việc chống lại thông tin sai lệch và có sự lạm quyền.
Nghe lén người dùng
Năm 2019, Bloomberg đưa tin Facebook đã trả tiền cho hàng trăm đối tác để chuyển các cuộc trò chuyện bằng âm thanh thành văn bản. Các đối tác của Facebook không biết những tin nhắn thoại này là gì hay có nguồn gốc từ đâu, họ chỉ biết rằng cần chuyển đổi chúng thành dạng văn bản.
Facebook thừa nhận điều này nhưng cho biết đã dừng hành động nghe lén.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận được sự thật rằng những cuộc trò chuyện của người dùng Facebook đã từng bị nghe lén, đôi lúc có cả những từ ngữ nhạy cảm đều đã bị các đối tác nghe thấy. Điều đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của những người đang dùng nền tảng mạng xã hội này.
Nội dung không được kiểm duyệt kỹ càng
Đa số người dùng mạng xã hội đều đồng tình về việc không muốn sử dụng một nền tảng thao túng, quyết định những nội dung mà họ có thể xem được. Tệ hơn, những nội dung mà người dùng xem được lại có thể là những nội dung chưa được kiểm duyệt kỹ, nội dung nhạy cảm hoặc sai sự thật.
Tin giả có xu hướng phát tán nhanh hơn tin thật, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới này cũng từng nhiều lần bị chỉ trích vì hỗ trợ phát tán thông tin nhạy cảm liên quan đến bầu cử Mỹ, về sức khỏe hay về vắc-xin…
Việt Nam cũng đã từng gây sức ép yêu cầu Facebook phải kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn khi xuất hiện những tin có nội dung "chống Nhà nước" và tin giả bị phát tán tràn lan, gây hoang mang dư luận và tác động tiêu cực đến người dùng.
Kêu gọi tẩy chay
Người ta có thể thấy rõ làn sóng tẩy chay Facebook và những lời chỉ trích về Facebook khi đọc các bài đăng trên Twitter.
"Vào năm 2016, tôi đã xóa tài khoản của mình sau vụ bê bối Cambridge Analytica khi dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook bị thu thập mà không có sự đồng ý của họ," một người dùng đã viết trên Twitter.
"Một công ty xấu xa. Việc đổi tên thành #Meta khiến nó thậm chí còn giống một công ty xấu xa hơn," một người dùng Twitter khác cho biết.
Nguồn: Twitter
Những người khác cho biết vấn đề đã lan rộng hơn. "Tôi thấy hashtag #DeleteFacebook đang thịnh hành nhưng đó chỉ là một trong số vô số các nền tảng mà nội dung xấu và thông tin sai lệch được rêu rao từng giây từng phút. Phương tiện truyền thông xã hội cần được làm mới hoàn toàn, cho dù đó là Facebook, Twitter, Tiktok, Gettr hay Instagram", một người dùng Twitter khác đăng tải.
Nguồn: Twitter
Nhưng Meta không phải là công ty duy nhất đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay. Gã khổng lồ phát trực tuyến âm nhạc Spotify dự báo sẽ có 183 triệu người đăng ký trả phí khi quý hiện tại của nó kết thúc, thấp hơn số liệu 184 triệu mà các nhà phân tích đã mong đợi.
Tin tức cho thấy cổ phiếu của Spotify sụp đổ vào thứ Tư tuần trước, có thời điểm giảm gần 23%.
Mọi thứ bắt đầu với các hastag bắt đầu bằng #DeleteSpotify và #ByeSpotify xuất hiện. Nguyên nhân là do chương trình của Joe Rogan mời những vị khách đưa ra nhận xét gây tranh cãi về COVID-19.