Trong năm 2018, Việt Nam có khoảng 110 doanh nghiệp sản xuất với sản lượng sản xuất ước tính lên đến 4,3 tỷ lít bia, sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 4,2 tỷ lít bia. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ vượt qua Ba Lan để trở thành thị trường bia lớn thứ 9 thế giới. Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ ước đạt 5,7%, tương đương mức tăng trưởng năm 2017.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm 10 quốc gia có quy mô thị trường lớn nhất.
Tuy nhiên, tăng trưởng sản lượng của ngành bia đang có dấu hiệu chậm lại, 3 năm gần nhất tốc độ tăng trưởng đều giảm so với tăng trưởng các giai đoạn trước.
Cụ thể, giai đoạn 2007 – 2011 CAGR đạt 9,7%, giai đoạn 2012 – 2015 CAGR là 7,3%, giai đoạn 2016 – 2018 chỉ tiêu này chỉ còn 6,8%. Nhưng xu thế tốc độ tăng trưởng giảm cũng đang yếu dần, năm 2018 tăng trưởng tương đương với mức tăng trưởng năm 2017. Do vậy, FPTS cho rằng giai đoạn tăng trưởng nóng đã qua và tăng trưởng ngành bia đang dần ổn định hơn.
Trong năm 2019, FPTS dự báo tăng trưởng sản lượng toàn ngành tốt, dao động từ 5% đến 6% với 5 nguyên nhân.
Thứ nhất, Việt Nam là nền kinh tế mới nổi tại Châu Á, mức tăng trưởng GDP luôn đạt trên 6% trong nhiều năm qua, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện.
Thứ hai, văn hóa ăn, nhậu của người Việt ưa chuộng bia. Chiếm đến 93% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, bia là thức uống phổ biến nhất trong các bữa ăn tại Việt Nam. Việc sử dụng bia ngay tại điểm bán cũng giúp việc tiêu thụ bia không bị giới hạn so với tiêu thụ bia tại nhà hay tại địa điểm khác.
Thứ ba, cơ cấu dân số Việt Nam vẫn sẽ trong giai đoạn dân số vàng trong ít nhất 10 năm nữa. Lượng người tiêu thụ tiềm năng lớn được duy trì trong thời gian dài là động lực để nguồn cầu bia trên thị trường tăng trưởng.
Thứ tư, Việt Nam hiện đạt mức tiêu thụ bia trên đầu người khá cao. Nhưng so với các nước có cùng văn hóa và thể trạng con người tương đồng, chỉ số này vẫn thấp hơn Hàn Quốc và Nhật Bản, mặc dù Việt Nam có khí hậu nóng thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ bia hơn. Do đó, có thể chỉ số này vẫn sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Thứ năm, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vào loại cao nhất châu Á, tỷ lệ người dân sống tại thành thị đã tăng từ mức 28,2% (năm 2007) lên mức 35% (năm 2017), đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Lượng người sống nhiều tại các đô thị, với nhiều hàng quán, các dịch vụ giải trí và các mối quan hệ xã hội là nguyên nhân khiến mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại khu vực này cao hơn khu vực nông thôn. Do đó, quá trình đô thị hóa cũng là 1 nhân tố có lợi cho thị trường bia Việt Nam.
FPTS cũng cho biết tỷ suất lợi nhuận ngành giảm do giá nguyên liệu tăng. Cụ thể, một số nguyên liệu cho quá trình sản xuất bia tại Việt Nam có xu hướng tăng giá trong 2019 là malt và gạo.
Malt được sản xuất từ thóc đại mạch nên chịu tác động trực tiếp từ giá thóc đại mạch thế giới. Do ảnh hưởng của việc giảm diện tích trồng đại mạch tại châu Âu, giá đại mạch tăng khoảng 25% trong năm 2018 và được dự báo tiếp tục tăng khoảng 10% trong năm 2019. Chiếm 33% cơ cấu chi phí, malt tác động trực tiếp đến giá vốn của các doanh nghiệp ngành bia. Năm 2018, giá gạo tăng khoảng 6%. Giá gạo được dự báo tăng khoảng 2% trong năm 2019.