"Văn hoá doanh nghiệp" dường như là khái niệm xa vời với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED dẫn một nghiên cứu năm 2016-2017 của Trường PACE cho rằng, những người kiếm tiền nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới là những người kiếm tiền đều dựa trên giá trị văn hoá và đạo đức.
Nhận định tại "Diễn đàn văn hoá doanh nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0" ngày 3/10 do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Deloitte Việt Nam và Hiệp hội nữ doanh nhân Tp.Hà Nội (Hnew) tổ chức, ông Trung cho rằng, doanh nghiệp có văn hoá mạnh, tử tế mới có thể kiếm rất nhiều tiền, còn nếu không có văn hoá, có thể kiếm tiền được nhưng không bền vững.
4 nguyên nhân không thành công
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện do vẫn chịu nhiều áp lực về cạnh tranh, doanh thu và lợi nhuận mà bỏ quên việc xây dựng văn hoá.
Câu hỏi mà ông Giản Tư Trung đặt ra là, thời nay tại sao có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn kiến tạo văn hoá nhưng có rất ít doanh nghiệp thành công? Cho rằng có rất nhiều nguyên nhân nhưng ông Trung nhấn mạnh đến 4 nguyên nhân chính của sự thất bại này.
Thứ nhất là thiếu nhận thức sâu sắc về văn hoá và vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững của doanh nhân; Thứ hai, doanh nghiệp thiếu một tầm nhìn và giấc mơ rõ ràng về văn hoá doanh nghiệp. Thứ ba, là thiếu phương pháp, công cụ và giải pháp để xây dựng văn hoá trong thời đại mới. Cuối cùng, là thiếu nỗ lực kiên trì và bền bỉ trong quá trình xây dựng văn hoá.
Hình tượng hóa vai trò của văn hoá trong doanh nghiệp, ông Trung cho rằng, văn hoá vừa là chân phanh (ngăn doanh nghiệp và thôi thúc doanh nghiệp làm một số thứ), song lại vừa là chân ga, thôi thúc doanh nghiệp làm điều đúng, điều đẹp. Nói ví von, theo ông, văn hoá là những gì còn lại khi đã mất mọi thứ và là những gì còn thiếu sau khi đã có tất cả mọi thứ. Một doanh nghiệp thất bại thảm khốc nhất là sai lầm về chiến lược nhưng còn có thể làm lại được, song nếu sai lầm về văn hoá thì khó làm lại. Như vụ Khải silk là một sai lầm lớn về văn hoá.
"Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, quy trình cho đến bí quyết, công nghệ... nhưng chỉ trừ một thứ duy nhất họ không thể sao chép hay ăn cắp được đó chính là văn hoá của doanh nghiệp. Văn hoá là lợi thế cạnh tranh quan trọng bậc nhất và bền vững nhất của doanh nghiệp", ông Trung nói.
Văn hoá là "Đất"
"Nếu chiến lược được ví như Hạt thì văn hoá sẽ được xem là Đất. Nếu Đất không tốt thì dù cố gắng mấy Hạt cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được", ông Trung dẫn lời của tổ chức tư vấn đào tạo hàng đầu của nước Mỹ Franklin Covey, chiến lược chỉ là bữa sáng của văn hoá.
Chỉ khi doanh nhân thấu hiểu được ý nghĩa của điều này thì bạn mới có thể dẫn dắt thành công doanh nghiệp của mình. Ông dẫn chứng như nhiều doanh nghiệp muốn học cách làm bất động sản của VinGroup nhưng phải nằm trong văn hoá của VinGroup thì họ mới thực thi được.
Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hiền Lê năm nay 63 tuổi. Bà bắt tay vào khởi nghiệp được 15 năm, đi vào ngành khó nhất là sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử. Hiện bà có 6 nhà máy trong đó 2 máy công nghệ cao, 70 robot tự động. Đối tác là những doanh nghiệp khó tính như Canon, Samsung và hiện bà đang gia công cho 1 đơn vị của Apple. Công ty có 375 công nhân thì 215 là kỹ sư đại học và trên đại học.
Đối với bà Hiền, văn hoá doanh nghiệp không phải là thưa, gửi, cúi chào mà là tiếp cận khách hàng nhanh nhất, chính xác nhất từng giây, từng giờ, làm khách hàng tin cậy nhất.
Thừa nhận vai trò quan trọng của văn hoá, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đi nhanh và nắm bắt cơ hội của xu thế 4.0 nếu thực sự nhận thức được rằng văn hoá doanh nghiệp là giá trị cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh riêng của doanh nghiệp và đó là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.