Bộ Công Thương đã tính kỹ?
Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở các yếu tố đầu vào, dự kiến giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng khoảng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh.
Xung quanh việc xây dựng phương án tăng giá điện, mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh: Thứ nhất, về cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,8%, Bộ Công Thương dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh. Năm 2019, dự kiến cơ cấu nguồn điện sẽ bao gồm các loại hình như: Nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí, nhiệt dầu, các nhà máy điện mặt trời, gió, sinh khối.
Các yếu tố đầu vào được đưa vào xem xét phương án giá điện năm 2019 gồm: Giá than nội địa; giá than pha trộn giữa than NK với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện; dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật… trên cơ sở số liệu thực tế của năm 2018 và dự báo tỷ giá năm 2019; các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỷ giá)...
"Với các thông số đầu vào nêu trên, phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Các phương án được cân nhắc với mục tiêu là đưa vào dần các chi phí còn treo, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có xem xét đến tình hình kinh tế vĩ mô", ông Tuấn nói.
Là người có nhiều năm công tác, gắn bó với ngành năng lượng, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn phân tích: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, tổng GDP cả nước đạt 245 tỷ USD. Còn theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện đạt 192 tỷ kWh. Điều đó có nghĩa là, 1kWh điện chỉ làm ra 1,3 USD, trong khi mức bình quân của thế giới là 1 kWh điện làm ra 3,3 USD.
"Việc sử dụng điện, kể cả diesel ở Việt Nam cực kỳ lãng phí, nên tiết kiệm là đúng. 10 năm qua, Việt Nam đã động viên tiết kiệm điện nhưng không hiệu quả cho nên chỉ bằng phương pháp giá, thị trường để buộc người dân tiết kiệm, sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng, nếu so sánh với với các nước có mức GDP bình quân ngang tầm với Việt Nam, giá điện của Việt Nam hiện đang thấp hơn 7%. Giá năng lượng ở Việt Nam thực sự không đắt", ông Sơn nói.
Theo một số chuyên gia, thời gian quá lâu không tăng giá sẽ gây ra không ít tiêu cực, khó khăn cho DN sản xuất điện. Đặc biệt, điểm đáng chú ý, không tăng giá điện thì EVN không có vốn để đầu tư. Điều quan trọng nhất là, nếu không tăng giá điện cũng không có sức hút đầu tư vào ngành điện trong thời gian tới. Trong khi đó, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất ngày càng tăng, lượng tiêu thụ điện ngày càng lớn, từ đó gây thêm những áp lực không nhỏ cho ngành điện.
Tuy đồng tình với việc phải tăng giá điện, song nhìn vào những nội dung thông tin mà Bộ Công Thương đưa ra lý giải cho việc tăng giá, các chuyên gia vẫn bày tỏ nhiều băn khoăn. Nói như chuyên gia Nguyễn Thành Sơn thì: EVN hoàn toàn có thể vạch rõ, minh bạch tuyệt đối trong vấn đề giá điện để người dân cũng như cộng đồng DN hiểu. Cụ thể, EVN phải giải trình chi tiết hơn nữa các vấn đề như giá mua bao nhiêu, giá bán bao nhiêu... Ngoài ra, câu chuyện về mức tổn thất điện năng cũng cần được làm rõ ràng hơn nữa.
Cần cơ quan độc lập xem xét
Trên thực tế, khi đặt ra vấn đề tăng giá điện, lo ngại khá lớn là điều đó sẽ tác động như thế nào tới các chỉ số như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tới đời sống của DN, người dân...?
Theo Bộ Công Thương, Bộ đã phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện. Cụ thể, phương án điều chỉnh giá điện có thể làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% đến 0,31%; làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15% đến 0,19% và làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% đến 0,25%.
Về điều này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ: Tính toán của ngành Điện chỉ ra tác động của đợt tăng giá điện 8,36% đến CPI chỉ khoảng 0,26 - 0,31%; làm giảm GDP 0,22 - 0,25% và khiến PPI tăng 0,15-0,19%. Tuy nhiên, tất cả những tính toán này không hề có một cơ quan độc lập nào xem xét. "Để không chỉ nghe báo cáo một chiều từ ngành điện, tăng tính thuyết phục, cần có một cơ quan tư vấn độc lập xem xét các yếu tố nêu trên", ông Long nói.
Một số chuyên gia bổ sung, điện là chi phí đầu vào nên sẽ ảnh hưởng tới giá đầu ra của sản phẩm. Ngoài những ngành sử dụng nhiều điện chịu tác động trực tiếp từ tăng giá điện, nhiều ngành khác sẽ có thể phải chịu tác động gián tiếp. Bởi vậy, bên cạnh đánh giá tác động tăng giá điện lên các yếu tố như chỉ số CPI, GDP hay PPI, Bộ Công Thương còn cần thực sự có nghiên cứu, đánh giá tác động chi tiết việc tăng giá điện lên từng ngành hàng, lĩnh vực như ngành luyện thép, ngành nhựa, xi măng...
Đứng từ góc độ DN, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà nhấn mạnh: Tăng giá điện làm tăng giá thành dẫn tới tăng giá bán, làm ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh. Đây là mối lo cho tất cả các DN, không riêng gì Tập đoàn Sơn Hà. Rõ ràng các yếu tố, cơ quan nhà nước đã tính toán được. DN cũng mong mọi thứ thật rõ ràng, minh bạch, có lộ trình tăng giá phù hợp. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, bản thân DN cũng phải chủ động ứng phó với việc điện tăng giá.
"Với Sơn Hà, chúng tôi đẩy mạnh áp dụng những công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng trong các công đoạn sản xuất; bố trí máy móc khoa học, tiến tới lắp đặt điện mặt trời áp mái... Đến nay, Sơn Hà đã tiết giảm đến 30% chi phí năng lượng cho sản xuất", ông Sơn nói.