Theo báo cáo thị trường văn phòng quý 1/2019 của Savills Việt Nam, thị trường này đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ trong 5 năm qua. Thị trường diễn ra sôi động nhất trong thấp kỷ qua với tỷ lệ hấp thụ đạt tới 98%, chỉ còn 2% diện tích trống, cho thấy thị trường sôi động nhất một thập kỷ.
3 tháng đầu năm nay văn phòng cho thuê tại TP.HCM cũng đánh dấu nhiều cột mốc mới. Diện tích trống ở các tòa văn phòng tiếp tục giảm, đặc biệt ở khu trung tâm, các tòa nhà mới vào thị trường đều nhanh chóng được hấp thụ.
Tỷ lệ trống 2% được ghi nhận là mức thấp nhất một thập kỷ qua, đồng nghĩa với việc thị trường văn phòng cũng đang sôi động nhất 10 năm với nhu cầu thuê đang cực lớn và sức hấp thụ lý tưởng.
Giá thuê trong quý I tiếp đà tăng trưởng trong 5 năm qua, tăng 1% so với quý trước. Các dự án cao cấp (văn phòng hạng A) dẫn đầu về giá thuê, tăng thêm 2% theo quý, đóng góp đáng kể vào mức tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cầu tăng cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khiến các chủ đầu tư liên tục tăng giá thuê và giữ được vị thế thương lượng. Trong khi đó, khách thuê chỉ có thể chấp nhận các mức tăng giá hoặc lựa chọn các phương án thuê khác như dịch chuyển ra các khu vực ngoài trung tâm hoặc linh động bố trí không gian làm việc. Năm 2019, có 11 dự án với tổng diện tích 206.000m2 sẽ được đưa vào thị trường TP.HCM, giá thuê sẽ tăng ở cả các tòa nhà xếp hạng cao cấp.
TP.HCM đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ loại hình không gian làm việc chung trong vòng 2 năm qua, với mức tăng hơn 90% mỗi năm – đạt trên 37.000m2 tính đến thời điểm khảo sát. Đa phần diện tích (20.000 m2) tập trung ở khu vực trung tâm với 56% thị phần. Các đại diện nổi trội gồm: WeWork, Up, Dreamplex, Regus, Compass và Kloud. Đây đều là các khách thuê chủ lực của nhiều tòa nhà với các diện tích lấp đầy lớn.
Mô hình văn phòng chia sẻ này được kì vọng sẽ có nhiều bước tiến nhờ vào nhu cầu từ các công ty trong nước lẫn quốc tế. Văn phòng linh hoạt được xem là giải pháp giảm thiểu chi phí, tăng tính linh hoạt và phù hợp với các công ty đang trong giai đoạn thăm dò, phát triển trên thị trường.
Thị trường cũng ghi nhận sự gia tăng các tòa nhà có chứng nhận "công trình xanh". Xu hướng này xuất hiện ngày càng nhiều ở các dự án mới, theo đuổi tiêu chuẩn LEED. Các dự án xanh và bền vững được kiểm chứng sẽ vận hành hiệu quả hơn về chi phí, tiện nghi, và được thiết kế thân thiện với môi trường. Savills dự đoán chứng chỉ công trình xanh sẽ ngày càng phổ biến ở các dự án mới. Tính đến quý I/2019, có 28% nguồn cung tương lai đang trong quá trình xây dựng tại TP.HCM sẽ sở hữu các chứng nhận LEED.