Đất hết sốt, các "văn phòng" tự động đóng cửa
Ngày đầu tháng 8, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20 km, khu vực huyện Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã không còn sốt đất dù từng là nơi từng nhiều lần xảy ra "sóng ảo" suốt 2 năm qua. Trên đại lộ Thăng Long đoạn từ huyện Quốc Oai đến huyện Thạch Thất chỉ khoảng 4km thời điểm dịch COVID-19 nhan nhản biển quảng cáo giới thiệu đất nền, đất nhà vườn...
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều biển hiệu quảng cáo bất động sản này đã được dỡ bỏ, thay vào đó là cửa hàng ăn, nhà xưởng, có nơi thì sàn giao dịch tự phát còn "cửa đóng then cài".
Ngay một ngày cuối tuần - cuối tháng 7 - nhưng "sàn giao dịch" của vợ chồng chị Khương (xã Phú Cát, huyện Quốc Oai) không có khách ghé hỏi mua đất mà chỉ có mấy thanh niên trong làng ngồi uống trà đá.
"Ngoài đất nền thì khu này đất thổ cư mảnh lớn đến đất nhà vườn là những sản phẩm khách tìm mua nhiều nhất. Nhưng gần đây không có khách, nên chồng chuyển nghề, tôi thì kiêm bán trà đá", chị Khương nói.
Một sàn giao dịch bất động sản tự phát ở khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức) cửa đóng im ỉm, sân đã đóng rêu - Ảnh: QUANG THẾ
Chị Khương cho biết vào thời điểm đất sốt nóng vợ chồng chị ngày nào cũng túc trực ở "sàn giao dịch" tư vấn cho khách.
Cách "sàn giao dịch" của vợ chồng chị Khương không xa, từ đại lộ Thăng Long đi vào xã Phú Cát, ở thời điểm sốt ảo có tới gần 20 sàn giao dịch tự phát, biển quảng cáo khổ lớn giới thiệu nhà đất nhưng đến nay chỉ còn lại 1 điểm tư vấn bất động sản không có người ra vào.
Một số quận, huyện ngoại thành Hà Nội như: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức… từng nhan nhản sàn giao dịch tự phát nhưng đến nay đã đóng kín cửa. Chỉ riêng trong khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức) từ hàng chục điểm tư vấn nhà đất, giờ chỉ còn một sàn giao dịch hoạt động èo uột.
"Không có khách mua và cũng không có người bán, trong khi giá nhà đất thì vẫn cứ tăng nên anh em môi giới phải xoay sang nghề khác đợi khi nào thị trường nóng mới tiếp tục hoạt động trở lại. Nhiều nơi, từ văn phòng chốt đơn hàng ngày giờ chuyển qua bán bia hơi, trà đá là chính…", anh Đức Anh (hành nghề môi giới tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) cho biết.
Biển quảng cáo nhà đất bị xé bỏ ở xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) - Ảnh: QUANG THẾ
Môi giới "tay ngang" chuyển nghề
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động môi giới, tuy nhiên chỉ khoảng 10.000 người được cấp lại chứng chỉ theo quy định mới.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết nếu thị trường trầm lắng không "làm ăn" được nhiều người sẽ tìm công việc khác. Tuy nhiên theo vị này thực trạng thị trường có khó khăn nhưng không trầm lắng. "Nền kinh tế thị trường nên tính cạnh tranh cao, chắc chắn sẽ có sàng lọc...", vị này cho biết.
Trong khi đó, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng nhiều khu vực nông thôn đã phân lô và ngay cả những khu đô thị có quy hoạch nhưng vẫn chưa chú trọng đến đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng xã hội... nên sẽ khó thu hút nhà đầu tư bền vững.
Cảnh đìu hiu tại một góc khu đô thị ở huyện Hoài Đức từng xảy ra sốt đất thời điểm dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG THẾ
Ngày 1-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay không có nghề nào là xấu và tốt tuy nhiên ở thời điểm hiện tại nhiều môi giới bất động sản chuyển sang làm nghề khác là hoàn toàn hợp lý bởi hiện nay cung vượt quá cầu.
"Những người giỏi được đào tạo bài bản để làm kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh nhưng nghề môi giới có thời điểm đã "hút" họ nay không còn việc làm chuyển qua làm công việc khác thì rất tốt, theo đúng quy luật thị trường", ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, ở Mỹ, nghề môi giới phải am tường về bất động sản, có trách nhiệm giúp người mua và bán không vướng vào pháp lý. "Họ quy định mọi giao dịch phải thông qua môi giới, thanh toán qua ngân hàng, như vậy nghề môi giới phải rất chuyên nghiệp…", ông Hiển cho biết thêm.