Tại khu vực Q.1, TP.HCM trước đây là nơi tập trung của nhiều cửa hàng, văn phòng bán tour du lịch nhưng những ngày gần đây, các cửa hàng này lại trong tình trạng “cửa đóng then cài” dù đã rất cố gắng đưa ra các phương án tốt nhất để không phải đóng cửa.
Các văn phòng tour tại TP.HCM đóng cửa cửa rải rác từ tháng 2 tới nay do lượng khách du lịch sụt giảm mạnh. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Ông Lê Mộng Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Thương mại Diamond cho biết, doanh nghiệp đã tung ra các chương trình giảm giá “đậm” 50 - 70% tour trong nước, nhưng lượng khách vẫn giảm mạnh, không những khách nước ngoài mà cả khách du lịch Việt Nam.
"Riêng trong tháng 3 lượng khách sụt giảm tới 95%. Tôi đã cố gắng đưa ra các chương trình khuyến mại trong mùa dịch để thu hút khách hàng, nhưng hàng loạt các điểm tham quan du lịch đều đã đóng cửa, không nhận khách khiến cửa hàng tôi cũng gặp khó khăn", ông Hoàng bày tỏ.
Diamond và các văn phòng du lịch bên cạnh vẫn mở cửa nhưng luôn trong tình trạng không một khách. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Vị giám đốc này cũng cho biết, Diamond Travel có 5 văn phòng tập trung tại khu vực Q.1 (TP.HCM), đây là khu vực có giá thuê mặt bằng đắt đỏ, từ 4000 - 5000 USD/tháng. Nếu tình trạng kinh doanh ế ẩm kéo dài, đơn vị này sẽ buộc phải đóng cửa 2-3 văn phòng tour.
Tương tự, ông Văn Long, chủ một văn phòng tour tại đường Phạm Ngũ Lão (Q.1) cũng cho hay, số lượng khách giảm nhanh chóng do tâm lý lo sợ dịch bệnh. Vì thế anh đã phải cắt giảm nhân sự nhưng tình hình tài chính vẫn không khả quan hơn nên đành phải đóng cửa văn phòng. Theo ông Long, nhiều khả năng phải mất 1 năm nữa thị trường du lịch mới có thể phục hồi.
Văn phòng tour trên đường Bùi Viện, nơi được mệnh danh là "phố Tây" cũng cũng chịu chung cảnh "cửa đóng then cài" do kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Tình trạng kinh tế khó khăn, nhiều nhân viên làm việc trong lĩnh vực này cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp.
“Tôi đã làm công việc điều hành tour và bán tour được 6 năm nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng bi đát tới mức phải đóng cửa hàng như hiện tại. Nếu tình hình này kéo dài, có lẽ không phải chỉ mình tôi mà nhiều người làm trong ngành này sẽ thất nghiệp”, chị Thanh An, nhân viên bán tour tại đường Thủ Khoa Huân (Q.1) chia sẻ.
Không chỉ các văn phòng tour rơi vào tình trạng vắng khách, nhiều khách sạn, nhà nghỉ cũng phải đóng cửa rải rác từ cuối tháng 2 do không “cõng” nổi chi phí điện nước, mặt bằng và chi trả lương cho nhân viên. Một số dịch vụ cho thuê ô tô, xe hai bánh cho khách du lịch tại khu vực trung tâm TP.HCM cũng đã dừng kinh doanh trong thời điểm này vì vắng khách du lịch.
Các cửa hàng cho thuê xe tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống Kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2020 ước đạt hơn 1,2 triệu lượt, giảm 37,7% so với 1/2020 và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 3 triệu lượt khách, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0h ngày 18/3/2020.
Cụ thể, các trường hợp được miễn thị thực hoặc có Giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao...) khi nhập cảnh phải có Giấy xác nhận không dương tính với vi rút Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và Giấy này được Việt Nam chấp thuận (không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ). Bên cạnh đó, các trường hợp nhập cảnh phải qua kiểm tra và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo đúng quy định.
TP.HCM thời gian này ngập bảng thông báo đóng cửa, cho thuê, sang nhượng mặt bằng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn