Áp lực từ dịch Covid-19 lên nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng trở thành tâm điểm quan tâm nửa đầu năm nay, đặc biệt là cơn khủng hoảng chưa từng có của ngành hàng không. Thống kê cho thấy, mảng chủ lực vận tải giảm kéo theo chỉ số kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp, từ "ông lớn" Vietnam Airlines (HVN), Vietjet Airs (VJC), ACV đến các đơn vị liên quan như Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS), Taseco Airs, Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS), Masco (MAS) đều lao dốc.
Duy chỉ có mảng logistics vẫn sống khoẻ giữa cơn khủng hoảng, với tỷ lệ nắm giữ lớn tại các doanh nghiệp mảng này phần nào tạo đòn "đỡ" đà giảm cho các đại gia hàng không. Ghi nhận, nhóm các doanh nghiệp logistics hàng không chủ yếu phục vụ hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại các nhà ga hàng hóa hàng không, ít chịu tác động hơn nhiều so với vận chuyển hành khách.
Lũy kế 6 tháng, Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC, SCS) đạt 221 tỷ đồng LNST, giảm nhẹ 8% so với mức 240 tỷ đồng của nửa đầu 2019. Với kịch bản các chuyến bay quốc tế từ/đến Việt Nam sẽ không quay trở lại trong năm 2020, ban lãnh đạo đặt kế hoạch doanh thu cả năm giảm 12% xuống 660 tỷ đồng và LNTT giảm 16% xuống 450 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận 6 tháng của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài – NCT cũng chỉ giảm 14% xuống 99 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra, các doanh nghiệp logistics hàng không đang thu lợi từ những mảng nào? Khi mà xét riêng tại SCS, tổng sản lượng hàng hóa trong quý 2/2020 cũng chịu tác động bởi Covid-19 và giảm đáng kể 24%.
Thứ nhất, thu nhập từ lãi phần nào đang hỗ trợ lợi nhuận cho doanh nghiệp này. Chi tiết, SCS ghi nhận thu nhập từ lãi đạt 13 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng đến 162% so với cùng kỳ. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thu nhập từ lãi tăng mạnh chủ yếu đến từ vị thế tiền mặt cải thiện và mức lãi suất vay thuận lợi với các bên liên quan của SCS.
Được biết, số dư tiền mặt của SCS đạt 381 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2020 so với mức 152 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2019. Ngoài ra, số dư khoản vay ngắn hạn của SCS cho tổ chức liên quan (V.N.M Logistics – công ty con mà Gemadept (GMD) sở hữu 100% cổ phần) ở mức 161 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2020; ban lãnh đạo chia sẻ rằng mức lãi suất của các khoản vay này thuận lợi hơn mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn.
Ngoài ra, SCS dự tính khoản vay của V.N.M Logistics sẽ được thanh toán trong 6 tháng cuối năm 2020 bằng lượng cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2019 và tạm ứng cho năm 2020 mà SCS trả cho Gemadept (GMD).
Thứ hai, một khoản đáng chú ý khác, SCS tiếp tục trì hoãn ghi nhận doanh thu từ cho thuê sân đỗ máy bay trong bối cảnh chưa hoàn tất thương thảo. SCS cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – sở hữu 15% cổ phần của SCS – thuê sân đỗ máy bay và ghi nhận doanh thu khoảng 7 tỷ đồng trong năm 2019. Do dịch Covid-19, việc thương thảo giữa SCS và ACV về hợp đồng thuê mới đã bị trì hoãn; hợp đồng trước đây đã hết hiệu lực vào quý 1/2020. Theo đó, SCS trì hoãn ghi nhận khoản doanh thu đến từ cho thuê sân đỗ máy bay trong 6 tháng đầu năm 2020 nhưng Công ty vẫn ghi nhận khoản chi phí liên quan đến cho thuê sân đỗ máy bay trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng.
Cuối cùng, trở lại với mảng chính là vận chuyển hàng hoá, hiện tác động tiêu cực từ các lệnh hạn chế đi lại dần suy yếu. Các lệnh hạn chế đi lại đã làm giảm công suất vận chuyển hàng hóa của các chuyến bay hành khách, hạn chế đáng kể tổng công suất hàng hóa hàng không. Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa hàng không tương đối cao hơn, được minh chứng thông qua mức tăng mạnh của phí vận chuyển hàng hóa hàng không toàn cầu.
Theo ban lãnh đạo, sản lượng hàng hóa sẽ phục hồi khi các hãng hàng không gia tăng công suất vận chuyển hàng không bằng cách sử dụng máy bay chở hàng hóa và/hoặc chuyển đổi máy bay chở hành khách thành máy bay chở hàng hóa.