Theo Báo cáo thường niên mới công bố, CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco (Mã CK VTO) cho biết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, thương mại quốc tế đứt gãy gây ra nhiều hệ lụy tới sản xuất, XNK và ảnh hưởng trực tiếp đến SXKD của VITACO. Tuy nhiên, công ty cũng có thuận lợi khi là đơn vị thành viên của Petrolimex, cùng sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ các công ty thành viên trong ngành nên VTO vẫn hoạt động hiệu quả.
Trong năm 2021, VITACO đã tập trung khai thác hiệu quả đội tàu viễn dương, tiết giảm chi phí kinh doanh, tiến hàng cái cấu trúc đội tàu. Về thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2021, doanh thu thuần của VITACO đạt 946 tỷ đồng, tương đương 92,9% so với kế hoạch 2021 và bằng 81,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 164 tỷ đồng, sau thuế đạt 129 tỷ đồng đều tăng trưởng hơn 80% so với kế hoạch đặt ra. Cổ tức năm 2021 dự kiến tỷ lệ 8%.
Nguồn: VTO
Thận trọng trong năm 2022, VTO đặt chỉ tiêu lợi nhuận giảm 85%
Lượng hàng hóa của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam dự kiến chỉ tăng nhẹ do SXKD trong nước phục hồi sau đại dịch và có sự cạnh tranh lớn từ các đầu mối xăng dầu trong nước. Nguồn hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và các nước Asean. Nguồn hàng nội địa từ NMLD Dung Quất và Nghi Sơn, tuy nhiên NMLD Nghi Sơn đã cắt giảm sản lượng đáng kể từ những tháng đầu năm 2022.
Đồng thời, tuổi tàu càng lớn thì chi phí phát sinh càng nhiều do nhu cầu sửa chữa bảo dưỡng tăng. Các quy định mới về hàng hải được ban hành đòi hỏi chủ tàu phải nâng cao tiêu chuẩn về phương tiện, thuyền bộ để đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn.
Với những nguyên nhân trên, VITACO đã đặt ra kế hoạch đi lùi về cả doanh thu và lợi nhuận của công ty trong năm 2022. Cụ thể, chỉ tiêu Tổng Doanh thu và Thu nhập năm 2022 được dự kiến đạt 896 tỷ đồng, Lợi nhuận trước thuế đạt 25 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 85% so với thực hiện năm 2021, cổ tức năm 2022 dự kiến tỷ lệ 5%.
Về kế hoạch sản xuất đầu tư 2022, VTO sẽ giám sát và chỉ đạo kịp thời các hoạt động của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên; củng cố, nâng cao năng lực của bộ máy điều hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD. Cụ thể, VTO tập trung bảo quản, bảo dưỡng tàu hợp lý gia tăng tối đa ngày tàu tốt; phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
Cũng trong năm 2022, công ty sẽ tiếp tục đầu tư tàu mới để thay thế tàu Nhà Bè 03 và tàu Petrolimex 08 đã thanh lý nhằm đảm bảo tổng trọng tải, tăng sức cạnh tranh, phù hợp với cơ cấu và đường vận động hàng hóa của Tập đoàn cũng như thị trường vận tải biển trong khu vực.
Trên thị trường, đầu phiên sáng 12/04, VTO đang xoay quanh mốc 13.400 đồng/cp, vốn hóa thị trường hơn 1.100 tỷ đồng.