Sau hơn nửa tháng Ngân hàng Nhà nước triển khai bình ổn giá vàng, mục tiêu kéo giảm mức chênh lệnh giữa giá vàng trong nước về gần với giá thế giới. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế thì Ngân hàng Nhà nước mới chỉ giải quyết được vấn đề giá còn về số lượng thì chưa. Nhu cầu mua vàng còn lớn nên xảy ra tình trạng vàng 2 giá.
Theo ông Trần Duy Phương, chuyên gia vàng và là chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Quận 5 thì giải pháp bình ổn giá vàng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đã đạt được mục tiêu là kéo giảm mức chênh lệnh giữa giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới. Có thời điểm mức chênh lệnh giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn 4-5 triệu đồng/lượng và đã tăng nguồn cung cho thị trường.
Tuy nhiên, giải pháp bình ổn hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng. Vì người dân mua số lượng nhiều cũng không dễ dàng do các đơn vị bình ổn vàng bán với số lượng hạn chế, mỗi lần chỉ được mua 1 lượng.
Do vậy, thị trường đang có tình trạng vàng 2 giá. Giá vàng ở “chợ đen” cao hơn giá của các đơn vị bình ổn bán đến khoảng 3-4 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, thời điểm này, tại TP.HCM, giá vàng miếng ở “chợ đen” mua vào là 81 triệu đồng/lượng, giá bán ra là 82 triệu động/lượng. Vì vậy đã không tránh khỏi tình trạng "cò" vàng và nhiều người xếp hàng mua vàng giá bình ổn để bán ra ngoài thị trường, hưởng chênh lệnh.
Không chỉ ở “chợ đen” mà ở nơi khác cũng có nhu cầu này. Qua trao đổi riêng với phóng viên, một phó giám đốc phòng giao dịch của ngân hàng thương mại ở TP.HCM cho biết, chính khách hàng của chi nhánh này cũng có nhu cầu mua vàng với số lượng lớn và đồng ý chuyển tiền trước, mua giá cao hơn so với giá vàng bình ổn.
Thực tế, với cách bán vàng bình ổn hiện nay khách hàng rất khó mua với số lượng lớn. Trước đây, họ có thể mua số lượng nhiều ở những ngân hàng có bán vàng, ngoài 4 ngân hàng bán vàng bình ổn giá , nhưng giờ thì một số ngân hàng thương mại bán vàng miếng thì cũng không bán nữa vì hết nguồn cung.
Trước thực tế này, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét về việc bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC để tạo điều kiện cho các thương hiệu vàng uy tín, chất lượng khác tham gia sản xuất vàng miếng, tăng nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phải nắm được nhu cầu vàng trong dân bao nhiêu để tiếp tục chuẩn bị nguồn cung và có phương án đáp ứng phù hợp, sát với thực tế.
Đó là, cho người dân đăng ký số lượng vàng mà họ muốn mua, không hạn chế số lượng và cho đặt cọc, rồi hẹn 6-7 ngày giao hàng. Qua đó ngân hàng có thể nắm được nhu cầu thực của người dân để có phương án cung ứng tốt và cách này sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ.
“Ví dụ người dân mua vài ba chục lượng thì số lượng người mua số lượng lớn cũng không nhiều. Ngân hàng cho khách hàng đăng ký số lượng mua bao nhiêu và qua đó ngân hàng thống kê, nắm được số lượng và chủ động chuẩn bị phục vụ đối tượng này. Khi người mua được đăng ký mua thỏa mãn số lượng nhu cầu muốn mua thì sẽ không có tình trạng tâm lý sợ không mua được vàng mà phải mua bằng mọi giá” - ông Trần Duy Phương nói.
Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM), cho rằng, nếu chúng ta muốn bình ổn giá vàng bằng mọi giá thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét đến những phương án khác hiệu quả hơn. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm này của Mỹ, ở thời điểm giá vàng căng thẳng thì người dân không được giữ vàng vật chất mà chỉ được giữ chứng chỉ vàng và gửi vàng ở ngân hàng trung ương. Ngân hàng có thể trả lãi suất cho người gửi vàng này. Tuy nhiên, Việt Nam cần có lộ trình xây dựng cho phương án này.
“Nếu quản lý vàng tập trung như vậy thì sẽ giải quyết được tình trạng của thị trường của chúng ta hiện nay và giảm sức hút của thị trường vàng. Việc này chúng ta có thể làm theo lộ trình 2-3 năm tới, xây dựng dự thảo… Chỉ cần chúng ta tuyên bố dự kiến xây dựng dự thảo về như vậy thì thị trường vàng sẽ ổn định từ từ. Mọi người sẽ có kỳ vọng hợp lý vào thị trường này” - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nêu ý kiến.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế ở TP.HCM, việc bán vàng bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước đã dẹp tình trạng “loạn giá vàng” trong thời gian qua, kéo giảm được mức chênh lệnh giữa giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu của người dân thì đương nhiên xảy ra những hệ lụy không tốt, đòi hỏi cần có những giải pháp sát thực tế hơn.