Trong những tuần qua, vàng đã mất đi vị thế của một tài sản trú ẩn an toàn khi giá liên tục sụt giảm do các nhà đầu tư tìm cách thu hồi tiền mặt giữa những cơn hoảng loạn và rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu.
Đó cũng là những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vàng đã giảm từ hơn 1.030 USD xuống còn 681 USD/ounce rồi sau đó đảo chiều leo dốc liên tục cho đến năm 2011 và chạm đỉnh lịch sử hơn 1.900 USD/ounce.
Đối với nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư, giống như năm 2008, rất có khả năng vàng cũng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đợt giảm giá trong tháng này. "Nếu quỹ đạo giá của nó tương tự như năm 2008, chúng ta có thể thấy lợi ích của kim loại quý đang hồi sinh khi căng thẳng thị trường tiếp tục khẳng định vai trò của tài sản này", Catherine Doyle, chuyên gia đầu tư tại Newton Investment Management cho biết.
Đầu giờ chiều hôm nay 24/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giữ ở mức trên 1.582,50 USD/ounce, cao hơn tới gần 100 USD so với chiều hôm qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố một làn sóng kích thích lớn thứ hai để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Vàng tương lai của Mỹ tăng lên 1.592,20 USD/ounce.
Hiện giá vàng vẫn thấp hơn khoảng 7% so với mức đỉnh đạt được hôm 9/3. Trong quá khứ, vào cuối năm 2008, vàng đã mất hơn 20% giá trị trong một tháng để chạm đáy gần 700 USD vào tháng 11, trước khi làn sóng mua vàng quay trở lại.
Trong khi có sự lo ngại rằng tác động đến nền kinh tế toàn cầu của Covid-19 có thể tồi tệ hơn so cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giới đầu tư mong đợi những phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn nữa.
Theo Matthew McLennan, người đứng đầu tại First Eagle Investment Management, một điểm tương đồng nữa với năm 2008 là, trong khi vàng đã giảm trong những tuần gần đây, sự sụt giảm vẫn không là gì so với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và các mặt hàng khác, do đó sức mua tương đối của vàng đã tăng lên. "Khi Fed giảm dần nỗi lo thanh khoản, đưa ra những định hướng thị trường về tỷ giá và khi có thể kiểm soát đường cong lợi suất và sự suy thoái có thể nhận thấy được trên toàn bộ nền kinh tế, giá trị phòng ngừa rủi ro của vàng có thể tự khẳng định lại một cách mạnh mẽ."
"Và trong khi kỳ vọng lạm phát đang giảm mạnh, các cơ quan tài chính có thể sẽ hành động mạnh mẽ hơn. Thế giới nói chung đều không mong muốn một nền kinh tế giảm phát", McLennan nói.
Các ngân hàng trung ương từ châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu đều đã cam kết chi hàng tỷ USD và thực hiện các bước chính sách mạnh mẽ hơn. Có thể kể đến như ngân hàng trung ương của Úc đề nghị mua 2,35 tỷ USD trái phiếu chính phủ, trong khi Đức thông qua gói cứu trợ trị giá lên tới 808 tỷ USD. Lần đầu tiên trong lịch sử, Fed tuyên bố sẽ mua lại trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ vay vốn và sẽ sớm triển khai chương trình tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chính phủ Mỹ cũng đã vạch ra kế hoạch cho một gói kích thích tài khóa lên tới 1.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, mặc dù quá trình này vấp phải sự phản đối của Thượng viện Mỹ. Trong quá khứ, Chính phủ Mỹ cũng từng đưa ra mức cam kết ban đầu gói cứu trợ hơn 900 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế nước này trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Tuy nhiên, vàng có thể sẽ tiếp tục giảm trước khi nó sẵn sàng phục hồi. Nếu các diễn biến trên thị trường đi theo kịch bản từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các nhà phân tích của Citigroup Inc nhìn thấy tiềm năng vàng chạm mức cao mới trên 2.000 USD/ounce vào năm 2021.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều người tham gia thị trường có thể lặp lại câu thần chú "tiền mặt là vua", và đặc biệt là với đồng USD.
Tham khảo: Bloomberg