Quả vậy, kể từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới thường xuyên quay cuồng theo các biến động địa chính trị và chính sách thương mại của Mỹ mà chủ yếu xuất phát từ những quyết định khá bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thậm chí có nhiều phiên, giá vàng thế giới biến động tới 2-3%.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, giá vàng trong nước chỉ “gợn sóng lăn tăn” với mức độ biến động bình quân khoảng 20 - 30 nghìn đồng/lượng mỗi ngày, tức chỉ khoảng 0,05 - 0,06%. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quy đổi cũng được thu hẹp, thậm chí có nhiều thời điểm giá vàng miếng SJC còn thấp hơn cả giá vàng thế giới quy đổi.
Sở dĩ như vậy là do nhu cầu vàng trong nước đang giảm mạnh, đặc biệt là nhu cầu vàng miếng khiến cho giá vàng trong nước đã không còn những cơn sốt nóng lạnh. Đã không còn cảnh người dân rồng rắn xếp hàng chờ mua bán vàng mỗi khi vàng biến động như mấy năm trước đây. Con phố vàng Trần Nhân Tông của Hà Nội vốn tấp nập một thời, nay vắng hoe. Nhiều doanh nghiệp vàng than kinh doanh vàng đang trong cảnh “chợ chiều”. Thậm chí không ít doanh nghiệp vàng đã thu hẹp lại các điểm giao dịch vàng của mình.
Giá vàng không còn nhảy múa, người dân thì quay lưng lại với vàng khiến cho giới đầu cơ cũng không còn đất sống, không lý do gì để mua gom ngoại tệ nhập lậu vàng, gây bất ổn cho thị trường ngoại tệ như trước nữa.
Có thể khẳng định, thị trường vàng trong nước đang đi theo đúng quỹ đạo mục tiêu của nhà điều hành là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế và thay đổi tâm lý, thói quen tích trữ vàng của người dân. Hiện thay vì mua vàng tích trữ để rồi “nằm chết” nơi đầu giường, góc tủ, nguồn lực trong dân đã được mang ra để đầu tư vào sản xuất kinh doanh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các kênh tiết kiệm ngân hàng.
Có được kết quả này, không thể phủ nhận Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc siết chặt quản lý và lập lại trật tự trên thị trường vàng. Đặc biệt việc cấm các TCTD huy động và cho vay vàng đã góp phần giảm thiểu tình trạng đầu cơ tích trữ vàng do việc nắm giữ vàng không còn mang lại nhiều lợi ích như trước nữa.
Nhớ lại những năm trước đây, người dân thích tích trữ vàng bởi khi mua vàng rồi gửi vào ngân hàng vừa được ngân hàng giữ hộ rất an toàn, vừa được hưởng mức lãi suất khá hấp dẫn nên nếu giá vàng tăng họ sẽ “trúng lớn”, còn khi giá vàng giảm thì lãi ngân hàng sẽ bù đắp phần nào thiệt hại. Nhưng nay, tình hình đã rất khác. Chẳng những không được hưởng lãi thậm chí người nắm giữ vàng còn phải trả phí nếu muốn ngân hàng giữ hộ. Điều đó đã buộc người dân phải cân nhắc kỹ hơn với quyết định mua vàng của mình, nếu không thận trọng sẽ lỗ lớn vì mức độ biến động mạnh và khó lường của giá vàng thế giới hiện nay.
Thế nhưng lý do chủ yếu khiến vàng không còn lấp lánh là do kinh tế vĩ mô những năm qua được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, đồng tiền ổn định giá trị, trong khi kinh tế tăng trưởng khá cao, các kênh đầu tư khác cũng khởi sắc. Tất cả những điều đó đã làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của vàng, một tài sản thường tỏa sáng mỗi khi kinh tế bất ổn, lạm phát tăng cao. Nói như vậy để thấy, để ổn định thị trường vàng, yếu tố then chốt vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bên cạnh các biện pháp siết chặt quản lý thị trường của cơ quan quản lý.