Thị trường tài chính toàn cầu đang ở trong môi trường “vàng”, với các điều kiện không quá “nóng” và cũng không quá “lạnh”, theo một số nhà phân tích – những người cho rằng đây là một môi trường hoàn hảo cho sự tăng giá của kim loại quý.
Trang Kitco News cho rằng, môi trường “vàng” nói trên đã được khẳng định vào hôm thứ Sáu vừa rồi, khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này tạo được 559.000 công việc mới trong tháng 5. Đây là một con số ấn tượng nhưng vẫn gây một chút thất vọng vì các chuyên gia kinh tế vốn kỳ vọng có 645.000 công việc mới được tạo ra.
Với tốc độ tăng trưởng việc làm như hiện tại, sẽ phải mất hơn 1 năm nữa để thị trường lao động Mỹ quay trở lại mức trước đại dịch – một báo cáo của Capital Economics nhận định.
Sức ép lạm phát đang gia tăng, nhưng thị trường lao động còn yếu sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải duy trì chính sách tiền tệ siêu nơi lỏng ít nhất tới hết năm nay, hoặc trong 12 tháng tới. Trong bối cảnh như vậy, vàng sẽ cùng lúc hưởng lợi từ nhu cầu mua vàng phòng ngừa lạm phát và môi trường lãi suất siêu thấp.
Một số nhà phân tích thậm chí cho rằng Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ duy trì chính sách nới lỏng hiện tại thêm thời gian dài hơn 1 năm. Báo cáo mới đây từ công ty kim loại quý Degussa nói rằng các chính phủ đã quen với việc vay nợ giá rẻ. Bởi vậy, khi các chính phủ tiếp tục chi tiêu, sẽ rất khó để các ngân hàng trung ương tăng lãi suất.
Báo cáo trên nhấn mạnh rằng nợ công trên toàn cầu đã tăng lên mức 289 tỷ USD trong quý 1/2021, tương đương 360% GDP toàn cầu.
Tất nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều lạc quan về triển vọng tăng giá của vàng, vì thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu của sự mua quá nhiều (overbought) và các chỉ số về xung lực tăng đã bị kéo giãn. Vì lý do này, các nhà phân tích thị trường thuộc Capital Economics cảnh báo rằng tháng 5 vừa qua đã trở thành một tháng không thể tốt hơn đối với vàng.
“Đợt tăng giá vàng gần đây đã lớn hơn nhiều so với mức lẽ ra nên có dựa trên mức giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Chúng tôi cho rằng giá vàng sẽ chịu áp lực giảm mới trong những tháng sắp tới, khi lợi suất thực bắt đầu tăng lên”, báo cáo viết.
Dù vậy, nhà phân tích David Lennox thuộc Fat Prophets cho rằng môi trường lạm phát tăng hiện nay là rất có lợi cho giá vàng và kim loại quý này có khả năng lập những mức giá kỷ lục mới trong năm 2021.
“Lạm phát cao sẽ trở lại vì cung tiền của Mỹ tăng vọt”, ông Lennox giải thích trên trang CNBC. “Trước đây, bất kỳ khi nào cung tiền tăng như vậy, thì khoảng 5-6 tháng sau, lạm phát cao sẽ xuất hiện”.
Bên cạnh đó, ông Lennox còn cho rằng giá vàng sẽ hưởng lợi nhiều từ sự suy yếu của đồng USD. “Nợ và cung tiền của Mỹ đều tăng. Hai yếu tố này cho thấy đồng USD sẽ giảm giá kéo dài”, ông nhấn mạnh. “Điều này sẽ hỗ trợ cho giá vàng và các kim loại quý khác”.
Giám đốc tài chính Scott Minerd của Guggenheim thì cho rằng mức độ biến động lớn của thị trường tiền ảo thời gian qua sẽ khuyến khích nhà đầu tư quay trở lại mua vàng. Ông dự báo giá vàng thậm chí có thể tăng lên mức 5.000-10.000 USD/oz. “Khi tiền rút khỏi thị trường tiền ảo và mọi người đi tìm kiếm một tài sản để phòng ngừa lạm phát, vàng và bạc là những lựa chọn tốt hơn nhiều”, ông nói.
Cũng về cuộc cạnh tranh giữa vàng và tiền ảo, chuyên gia Jeff Currie của ngân hàng Goldman Sachs nói Bitcoin nên được coi là “kim loại đồng dạng kỹ thuật số” thay vì là một loại “vàng kỹ thuật số”.
“Bitcoin có tác dụng phòng ngừa lạm phát nhưng với điều kiện tâm lý ham thích rủi ro gia tăng. Còn những khi tâm lý ham thích rủi ro giảm và muốn phòng lạm phát, nhà đầu tư sẽ mua vàng. Lạm phát tốt là lạm phát do cầu kéo, trong trường hợp đó, Bitcoin, đồng và dầu thô được ưa chuộng. Còn lạm phát xấu là do nguồn cung bị siết lại, và trong trường hợp này, nhà đầu tư mua vàng”, ông Currie giải thích.
Một thông tin khác gần đây có lợi cho giá vàng là việc Quỹ Tài sản Quốc gia Nga (NWF) sẽ bán toàn bộ tài sản bằng đồng USD và tăng nắm giữ vàng, Euro và Nhân dân tệ. Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov công bố mới đây tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF).
Quỹ trên hiện nắm tài sản trị giá hơn 185 tỷ USD, trong đó có 40 tỷ USD là tài sản bằng đồng bạc xanh. Như vậy, khi quỹ tái cơ cấu danh mục, 40 tỷ USD này sẽ được chuyển sang vàng, Euro và Nhân dân tệ.