Phiên giao dịch đầu Xuân Quý Mão 2023, nhóm doanh nghiệp than gây chú ý khi cổ phiếu nhanh chóng tăng hết biên độ trong phiên sáng. Động lực được cho rằng đến từ giá than thế giới dần phá mọi kỷ lục khi nhu cầu than trong sản xuất điện tăng, vì thị trường khí đốt thắt chặt và giá cao.
Trong nước, giá than bắt đầu điều chỉnh trong quý 4/2022 trước sức ép chênh lệch quá ngày một lớn, doanh nghiệp than theo đó đồng loạt “thắng đậm”.
Trong đó, Tập đoàn Than và khoáng sản đạt doanh thu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm 2022. Theo TKV, chi phí sản xuất tăng do biến động đầu vào nhưng nhờ giá than cao, TKV vẫn ghi nhận doanh thu kỷ lục từ khi thành lập, gần 166.000 tỷ đồng và lợi nhuận 8.100 tỷ.
Sang năm 2023, "ông lớn" ngành than đặt mục tiêu doanh thu gần 169.000 tỷ đồng, tăng 2% so với 2022; lợi nhuận 5.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo TKV, nhu cầu than trong nước tăng cao do giá nhập khẩu ở mức kỷ lục, đã tạo ra áp lực lớn đến sản xuất, cung ứng than. Trong khi việc xin cấp phép, gia hạn giấy phép khai thác than, khoáng sản bị vướng mắc bởi quy hoạch, cơ chế... Điều này đã hạn chế năng lực sản xuất và giá than cho sản xuất điện chưa được tăng từ tháng 3/2019 dẫn tới thiếu hụt nguồn cung.
Ở đơn vị thành viên, tăng trưởng đột biến phải kể đến Than Mông Dương (MDC) lợi nhuận quý 4/2022 ghi nhận tăng 827% so với cùng kỳ, đạt 116 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận Công ty đạt 140 tỷ - tăng 263% so với năm 2021.
Hay Than Núi Béo (NBC) , kết thúc năm 2022 Công ty đã đào hơn 14.000m lò, khai thác 1,4 triệu tấn than nguyên khai và tiêu thụ 2,15 triệu tấn than các loại. Qua kết quả đạt được, Công ty có mức doanh thu gần 3.300 tỷ đồng, lợi nhuận vượt 52% kế hoạch và tiền lương bình quân đạt trên 17 triệu đồng/người/tháng.
Riêng quý 4/2022, NBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 28 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Nguyên nhân theo Công ty được Tập đoàn điều chỉnh giá bán, doanh thu tăng làm lợi nhuận tăng. Luỹ kế cả năm, NBC đạt 49 tỷ lãi sau thuế, tăng gần 9% so với năm 2021.
Tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ còn có Than Hà Tu (THT) , lợi nhuận quý 4/2022 đạt 45 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 23 tỷ đồng). Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận HTH thu về tăng gần 59%, đạt 65 tỷ đồng.
Theo giải trình, quý 4 vừa qua THT điều hành sản xuất theo hướng tiết giảm chi phí. Song song, Công ty cũng đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động với sản lượng tiêu thụ tăng đáng kể, giá bán cũng tăng 63.530 đồng/tấn so với cùng kỳ quý 4/2021.
Cùng tăng bằng lần quý cuối năm còn có Than Cao Sơn (CST), lợi nhuận từ 84 tỷ (quý 4/2021) vọt lên 211 tỷ đồng trong quý 4/2022. Luỹ kế cả năm lợi nhuận thu về 426 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần con số năm 2021.
Đặc biệt, Than Đèo Nai (TDN) có lãi 37 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ thua lỗ. Luỹ kế cả năm, TDN ghi nhận lợi nhuận sau thuế 46 tỷ đồng, tăng so với con số 39 tỷ hồi năm 2021. Được biết, lợi nhuận TDN cải thiện nhờ doanh thu tăng, đặc biệt giá bán quân bình cũng tăng đến 10,7% so với cùng kỳ….
Dự báo cho năm 2023, IEA cho rằng mức tiêu thụ than toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức quanh 8 tỷ tấn cho đến năm 2025, khi sự suy giảm nhu cầu ở các thị trường phát triển được bù đắp bởi nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ ở các nền kinh tế châu Á mới nổi. Điều này có nghĩa là than sẽ tiếp tục là nguồn phát thải carbon lớn nhất của hệ thống năng lượng toàn cầu.
Được biết, giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã khiến thế giới tăng sự phụ thuộc vào than để sản xuất điện, bất chấp sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng liên tục của thị phần năng lượng tái tạo trên toàn cầu.