Đầu giờ sáng ngày 4/3, giá vàng trong nước đã bất ngờ tăng tới hơn 1 triệu đồng/lượng lên gần 47,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng 3 giờ đồng hồ, giá vàng quay đầu giảm mạnh liên tục và đến sáng 5/3 lại tuột mốc 47 triệu đồng/lượng (chiều bán).
Giá vàng tại DOJI hiện chỉ còn đứng ở mức 46,3-47,0 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối giờ chiều hôm qua và đã giảm 600 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 400 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng 4/3.
Giá bán ra của vàng SJC tại tập đoàn Phú Quý cũng giảm 450 nghìn đồng/lượng xuống còn 46,95 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, chiều mua vào cũng giảm 350 nghìn đồng/lượng xuống mức 46,45 triệu đồng/lượng.
Tương tự, PNJ và Bảo Tín Minh Châu cũng giảm khoảng 500 nghìn đồng/lượng so với mức đỉnh ngày 4/3, xuống còn 46,05-46,95 triệu đồng/lượng và 46,5-47,0 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, giá vàng còn triển vọng tăng giá nhưng việc lướt sóng vàng rất rủi ro khi biến động khó lường. Chưa kể, mỗi lần giá vàng tăng, chênh lệch giá mua và giá bán lại giãn rộng, chiều bán thường tăng mạnh hơn. Chẳng hạn, hiện tại, chênh lệch giữa giá mua và giá bán là khoảng 500-700 nghìn đồng/lượng, nhưng trong những phiên tăng mạnh thì chênh tới 1-2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới sau khi vọt lên 1.648 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 3/3 cũng quay đầu hạ nhiệt. Trên sàn Comex, giá vàng chốt phiên 4/3 ở mức 1.641 USD/ounce. Giá vàng thế giới giao ngay tính đến 9h sáng ngày 5/3 (theo giờ Việt Nam) đứng ở mức 1.638,64 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới hiện có giá gần 45,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm đôi chút khi báo cáo việc làm khu vực tư nhân tháng 2 của Mỹ khá tích cực. Theo báo cáo này, có 183.000 việc làm gia tăng, cao hơn mức tăng dự kiến là 155.000 việc làm.
Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng hồi phục trở lại, sau đợt bán tháo lớn hôm thứ 3. Kết thúc phiên 4/2, chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng điểm mạnh sau chiến thắng của cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong ngày "siêu thứ Ba", Dow Jones tăng vọt hơn 1.100 điểm.