Chia sẻ từ nông dân chuyên trồng dâu tây ở đây cho biết, vụ dâu tây được trồng vào khoảng tháng 10 dương lịch hằng năm; bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 12 năm trước đến giữa tháng 4 năm sau; nhưng từ tháng 1 - 3 là thời gian cây cho quả ngon và chất lượng nhất.
Với giá bán bình quân khoảng 200.000 đồng/kg, nhiều gia đình đã có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/ha mỗi năm từ trồng dâu tây .
Bà Nguyễn Thị Hoà, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu cho biết, Dâu tây Mộc Châu và Sơn La có chất lượng thơm ngon; thị trường tiêu thụ chính là thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Với định hướng phát triển vùng cây dâu tây gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo sản phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp Sơn La đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăm sóc theo quy trình VietGAP, hữu cơ; thực hiện tốt các quy định an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”… để sản phẩm quả dâu ngon, sạch, an toàn, tạo lòng tin với người tiêu dùng.
“Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cũng nghiên cứu, ban hành hướng dẫn Quy trình sản xuất dâu tây . Đồng thời cử cán bộ xuống các cơ sở sản xuất và các hộ gia đình đề họ ký cam kết, cũng như hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cũng như hướng dẫn các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên cây dâu tây . Qua đó, bà con nông dân căn cứ vào các văn bản hướng dẫn và các nội dung hướng dẫn của cán bộ trung tâm để thực hiện sản xuất dâu tây đảm bảo an toàn, chất lượng đưa ra thị trường” - bà Nguyễn Thị Hoà nói.
Sở Khoa học- Công nghệ Sơn La đang triển khai xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Sơn La” theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Khi được Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận, Dâu tây Sơn La sẽ ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây cũng sẽ là căn cứ quan trọng để sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị, từng bước nâng cao thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh dâu tây tại địa phương.