"Ăn gian" dây đồng
Clip: Những mánh 'vặt tiền' của thợ điều hòa (Nguồn: Vitalk)
Mới đây, hình ảnh một cục nóng điều hoà được 4 vòng dây đồng quấn vòng tròn đang được chia sẻ rộng rãi.
Theo nhiều người, việc lắp thừa ra ngoài quá nhiều như vậy là không thực tế và chủ nhà cũng sẽ không đồng ý với việc lắp đặt lãng phí như vậy. Đây có thể là trò câu like trên mạng xã hội.
Hình ảnh cục nóng điều hoà được 4 vòng dây đồng quấn vòng tròn được chia sẻ rộng rãi. |
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có nhiều thợ lắp đặt, sửa chữa điều hòa cố tình kéo dài dây đồng thêm hàng mét để "ăn chênh" tiền. Ví dụ dùng hết 4 mét dây ống đồng thì họ khai lên 5 mét. Khi dây ống đồng đã ăn gian được số mét thì những phụ kiện khác cũng ăn gian được số mét tương ứng. Khoảng cách lắp càng xa, số mét càng bị khai khống nhiều hơn. Do đó, lắp một máy điều hòa, ngoài tiền công, khách còn có thể "bị vặt" thêm 1-2 triệu tùy vào khoảng cách lắp.
Rút lõi dây đồng thay bằng lõi nhôm
Đổi dây điện lõi đồng thành dây điện lõi nhôm nhằm đút túi tiền chênh lệch giữa hai loại dây này là mánh “vặt tiền” mới mà thợ điều hòa của siêu thị thường dùng khi đi lắp đặt cho khách hàng.
Loại dây điện lõi đồng khá bền nên giá thường đắt, ở mức 17.000 đồng/mét. Còn dây điện lõi nhôm giá trên thị trường chỉ 4.000 đồng/mét nhưng không bền, dùng một thời gian lõi nhôm sẽ dễ bị oxi hóa dẫn đến hay bị đứt ngầm bên trong.
Nhờ chiêu đánh tráo dây điện, thợ điều hòa có thể đút túi một số tiền không nhỏ. |
Một số thợ điều hòa của các siêu thị thường lợi dụng mức giá chênh khá lớn này để đánh tráo, sử dụng dây lõi nhôm để lắp đặt cho khách, đến khi tính tiền lại tính mức giá của dây điện lõi đồng. Nhờ chiêu này, thợ điều hòa có thể ăn chênh hơn chục ngàn đồng cho mỗi mét dây.
Báo hỏng linh kiện
Nhiều thợ sửa chữa điều hòa cũng dùng "mánh khóe" trong việc báo hỏng linh kiện. Có thể linh kiện chưa hỏng nhưng họ vẫn báo hỏng, hoặc hỏng 1 báo là 2,3. Như vậy, người thợ sẽ dễ dàng thay linh kiện của họ và báo giá lên cao hơn giá nhập nhiều lần.
Hơn nữa, nếu người dân không để ý thì thợ sửa điều hòa còn trà trộn linh kiện kém chất lượng, dễ khiến điều hòa bị hỏng trong một thời gian ngắn. Thợ chỉ cần yêu cầu thay 2-3 linh kiện khống là có thể "vặt" của khách tiền triệu.
Bơm thiếu gas
Bơm thiếu gas cũng là mánh phổ biến được các thợ ưa dùng. Bởi khi bảo dưỡng, điều hòa sẽ phải bơm thêm gas. Khi bơm gas sẽ tùy vào mức của máy cần bơm ít hay nhiều, từ đó thợ tính tiền gas mà khách phải trả.
Nhiều khi trong quá trình bảo dưỡng, bình gas điều hòa nhà bạn lượng gas hao chưa nhiều, chỉ 1/3 hay ½ bình nhưng thợ sửa vẫn báo bơm đầy bình. Bơm thật sự là bao nhiêu thì chỉ thợ mới biết.
Bơm thiếu gas cũng là mánh phổ biến được các thợ ưa dùng. |
Ngoài tiền công 150.000-200.000 đồng, nếu điều hoà hết sạch gas, phải bơm toàn bộ sẽ hết khoảng 200.000-300.000 đồng với điều hoà cơ. Còn với điều hoà Inverter thì tiền gas có thể lên tới khoảng 1 triệu đồng, loại gas của điều hoà này càng dễ làm giá hơn.
Đến muộn hơn so với giờ hẹn
Thông thường, khi bạn gọi điện đến các cơ sở sửa chữa điều hòa, kĩ thuật viên thường đến muộn hơn so với giờ hẹn nhằm tạo tâm lý sốt ruột, vội vàng cho khách hàng.
Lúc này, thợ sửa điều hòa sẽ yêu cầu chủ nhà lấy cái này, cái kia để phục vụ cho việc sửa chữa. Nhưng thực chất, họ biện những nguyên cơ đó để che mắt, dễ dàng cho việc gian lận trong quá trình sửa chữa.
Đề nghị đem về sửa
Ngoài ra, một số nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng còn viện ra những lý do thiếu máy móc, phụ kiện, cần đem máy điều hòa của khách hàng về xưởng để kiểm tra.
Thợ điều hòa có nhiều chiêu trò để "vặt tiền" của khách hàng (ảnh minh họa) |
Nếu khách hàng đồng ý, tức đã sập bẫy của họ. Bởi, về cửa hàng, thợ chỉ việc vệ sinh máy, bơm gas, còn các thiết bị kia không phải sửa chữa gì nhưng vẫn bị tính tiền thay mới như thường. Hơn nữa, với “kế sách” này, bạn không những chỉ bị chặt chém thêm tiền, mà còn có thể bị đánh tráo thiết bị kém chất lượng hơn.
Làm gì để không bị thợ điều hòa qua mặt “vặt tiền”
Để không “tiền mất, chuốc bực vào thân” cũng như hạn chế tình trạng nhân viên sửa chữa “chặt chém”, khách hàng cần tìm tới các công ty, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa có trụ sở cố định, uy tín có bảng giá dịch vụ rõ ràng thay vì liên hệ tới các số điện thoại quảng cáo rao vặt, không rõ địa điểm cơ sở hoạt động.
Khi nhân viên tới, khách cũng nên hỏi lý do dẫn đến hiện tượng máy điều hòa bị hỏng, đồng thời yêu cầu nhân viên này cung cấp biên bản bảo hành việc sửa chữa, thay mới các thiết bị sau khi đã sửa chữa xong. Từ đấy, nếu có phát sinh hỏng hóc trong quá trình sử dụng sau này, người tiêu dùng sẽ có cơ sở pháp lý để khiếu nại, giải quyết.
Trong quá trình thợ kiểm tra, khách hàng cũng cần luôn giám sát để tránh tình trạng lợi dụng sự vắng mặt của gia chủ để giả vờ thay thế linh kiện hoặc chọc ngoáy khiến máy điều hoà của bạn càng hư hại thêm.
Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu thêm các thông tin, kiến thức về đồ điện máy, trong đó có máy điều hòa. Việc tìm hiểu những kiến thức này sẽ giúp khách hàng tự điều chỉnh được những chi tiết, “bệnh” đơn giản hay biết cách tự vệ sinh điều hòa mà không phải gọi đến thợ.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)