Nhiều năm trở lại đây, vào ngày vía Thần Tài, người dân lại xếp hàng nối đuôi nhau đi mua vàng cầu may không còn quá xa lạ. Đây cũng là dịp kiếm lời của các doanh nghiệp vàng.
TRÂU VÀNG SẴN SÀNG LÊN KỆ
Quan sát thị trường sau kỳ nghỉ lễ Tết Âm lịch, trên các kệ của nhiều doanh nghiệp vàng đã xuất hiện những sản phẩm vàng đặc biệt hình trâu vàng để đáp ứng nhu cầu người dân trong ngày vía Thần Tài (10/1 Âm lịch).
Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, công ty đã cho ra mắt hàng trăm ngàn sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và mẫu mã, với hình tượng chính là Kim Ngưu – Trâu vàng.
“Với trọng lượng đa dạng từ 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 10 chỉ, các sản phẩm Đồng vàng Kim Ngưu và Âu Vàng Phúc Phong của DOJI hứa hẹn đáp ứng nhu cầu mua vàng cầu may của người dân. Tất cả các sản phẩm này của DOJI được mua/bán theo giá vàng SJC và đổi ngang giá với SJC”, bà Hương nhấn mạnh.
Tương tự, thương hiệu vàng bạc PNJ cũng tung ra thị trường sản phẩm mạ vàng 24k Kim ngưu tấn điền có giá hơn 6,5 triệu đồng với ý nghĩa mang lại thịnh vượng, giàu có, làm ăn phát đạt.
Hay như hệ thống của Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu năm nay cũng chào bán nhiều sản phẩm vàng Thần Tài – Khai xuân đại phát, Linh vật trâu vàng – An khang hạnh phúc…
Trong khi đó, một đại diện của Công ty Phú Quý chia sẻ với VnEconomy, khối lượng mà doanh nghiệp chuẩn bị để cung cấp ra thị trường dịp Thần Tài sắp tới có ít hơn mọi năm. Tuy nhiên, mẫu mã lại có phần đa dạng hơn để phù hợp với nhu cầu của nhiều người dân hơn.
Ngoài ra, các sản phẩm vàng Thần Tài tại nhiều cửa hàng nhỏ lẻ còn hướng tới cả những khách hàng có thu nhập trung bình thông qua việc chào bán các hình tượng trâu vàng có trọng lượng chỉ từ vài phân đến vài chỉ vàng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, khách hàng có thể ngồi tại nhà mua vàng Thần Tài trực tuyến như dịch vụ eGold của Tập đoàn DOJI.
Nhu cầu mua vàng tăng cao ngày Thần tài khiến các doanh nghiệp vàng bạc như PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, DOJI… thu lời lớn. Doanh số một ngày bán có thể bằng cả 1-2 tháng, do đó các doanh nghiệp này đều lên kế hoạch rất kỹ càng cho vía Thần Tài.
ĐẦU CƠ VÀNG TRONG NGÀY VÍA THẦN TÀI?
Hiện trên thị trường thế giới, giá vàng đã có nhiều phiên giảm điểm liên tiếp và về mốc thấp nhất trong hơn 2 tháng qua, giá quy đổi vào khoảng 49,5 triệu đồng/lượng.
Tuy có cùng xu hướng nhưng giá vàng trong nước lại giảm không đáng kể, vẫn giữ mốc 57 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã doãng lên mức 7,5 triệu đồng/lượng.
Theo giới chuyên môn, diễn biến trên chủ yếu là do chủ trương chống vàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, các điều kiện để kinh doanh vàng miếng, vàng nguyên liệu rất khắt khe theo pháp luật hiện hành nên giá vàng trong nước luôn có khoảng cách nhất định với giá vàng thế giới.
Và với mức chênh lệch doãng rộng đang thể hiện, người dân chỉ nên coi vàng là phương tiện bảo vệ tài sản hiện có. Bởi lẽ, nếu dùng vàng để đầu cơ sẽ gặp nhiều rủi ro, không những rủi ro về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, mà còn rủi ro về chênh lệch giữa giá mua và bán chính trong nước.
Thông thường, giá vàng vào những ngày này sẽ tăng cao ở chiều bán, giảm ở chiều mua, chênh lệch được nới rộng các cửa hàng vàng sẽ thu lời lớn. Trong khi đó, về phía người tiêu dùng, nếu mua vàng và bán ra ngay sẽ bị lỗ lớn. Số lỗ tương ứng với khoảng cách giữa giá mua vào – bán ra trong ngày Thần Tài, nhiều khi lên tới cả triệu đồng mỗi lượng.
Được biết, hiện tại vàng tại Việt Nam đang gồm 2 hình thức chủ yếu là vàng miếng SJC và vàng nhẫn của các công ty được phép sản xuất, kinh doanh vàng. Các công ty sản xuất vàng nhẫn này sẽ có thương hiệu riêng, tem kiểm định riêng, mức chênh của giá vàng này thường thấp hơn vàng miếng thương hiệu quốc gia.
Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, người dân cần quan sát 2 vấn đề gồm độ chênh giữa vàng miếng SJC và giá vàng quy đổi quốc tế; chênh lệch giữa vàng nhẫn và giá vàng quy đổi quốc tế. Khi mức chênh lệch nào tốt hơn thì có thể mua để giảm bớt rủi ro.