Cây bơ trái vụ của ông Trần Hưng Đạo ở xóm Phú Lộc, Nghĩa Phú đã có khách đặt cọc mua hết với giá 50 nghìn đồng/kg
Vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ màu mỡ, từ xưa tới nay đã nổi tiếng về các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su. Không những thế, đây còn là vùng phát triển các giống cây ăn quả trứ danh như cam Vinh, bưởi hồng Quang Tiến, dưa hấu, ổi lê… Và mới đây, cây bơ cho hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nhân ra diện rộng.
Trước đây khi nhắc tới cây bơ, thì dân Nghệ An nói chung và Nghĩa Đàn nói riêng ai cũng thấy ngỡ ngàng xa lạ, bởi giống cây này cũng như quả sầu riêng, chỉ ở Tây Nguyên hay miền Tây Nam Bộ mới có.
Tuy nhiên theo ông Trương Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn tâm sự với chúng tôi thì: Cây bơ đã xuất hiện ở vùng đất này từ những năm 1987, 1988. Bởi dân Nghĩa Phú, trước đây đa phần có nguồn cội từ trong Nam tập kết ra Bắc để thành lập Nông trường 1-5. Mỗi lần về thăm quê, lúc trở ra họ thường mang theo hoa quả để làm quà, trong đó có quả bơ. Quả ăn xong, hạt họ vứt bỏ ra vườn, thế là cây mọc lên.
Mãi đến năm 2011, 2012 đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu và phát triển vùng, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đến xã Nghĩa Phú thì phát hiện thấy có 4 cây bơ đầu dòng.
Tại đây đoàn công tác đã thuyết trình về giá trị dinh dưỡng và công dụng của quả bơ, nghe xong tất cả người dân đều vui mừng phấn khởi. Viện Nghiên cứu và phát triển vùng còn đề nghị UBND xã phải bảo tồn 4 cây bơ đầu dòng và khuyến cáo nông dân phát triển thêm cây bơ để tăng thêm thu nhập.
Cũng từ đây dân Nghĩa Phú bắt đầu chú trọng phát triển cây bơ. Nhiều nông hộ nhà vườn đã cất công vào Đăk Lăk học hỏi kinh nghiệm canh tác rồi mua giống về trồng. Giống bơ ghép Booth và sáp thích nghi với vùng đất đỏ bazan vì có tầng đất canh tác sâu, độ thoát nước nhanh. Vùng đất đỏ Nghĩa Phú có đủ tiêu chuẩn, chất đất giống như ở Tây Nguyên nên cây phát triển rất nhanh và khỏe.
Chúng tôi đến vườn bơ của vợ chồng Đạo - Nga ở xóm Phú Lộc, xã Nghĩa Phú. Chị Nga cho biết: "Vườn bơ 1ha này của nhà em trồng từ cuối năm 2013 gồm 250 cây bơ sáp, kể từ lúc mua bầu ghép về trồng, tất cả đều phát triển đồng đều. 3 năm sau, vườn bơ đã bắt đầu cho thu hoạch".
Vườn bơ sáp 1ha của gia đình chị Trần Thị Nga
Năm 2017 này, tức là sang năm thứ 4, vườn bơ cho thu hoạch đồng loạt, chị Nga tính ít ra mỗi cây có tới 50kg quả. Với giá bán tại vườn 25 nghìn đồng/kg thì 1ha sẽ thu được hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên do cơn bão số 2 đổ bộ vào đã làm cho quả rụng nhiều, nên số tiền thu về chưa đạt như mong muốn. Chị Nga bảo: "Trồng bơ không khó, nhưng lợi ích kinh tế thì vùng này chẳng có cây nào bằng".
Ngoài gia đình chị Nga, hiện Nghĩa Phú có nhiều gia đình trồng bơ đã cho thu hoạch. Ông Mai Văn Thông ở xóm Phú Hoa trồng 50 cây, trong đó 15 cây đã cho thu hoạch, vụ vừa rồi mỗi ngày ông đóng thùng gửi cho người thân ở Hà Nội bán mỗi ngày 200kg.
Ông Hoàng Văn Đắc ở xóm Phú Lộc trồng xen trong vườn na, vườn ổi được 120 cây bơ sáp và Booth, sau 3 năm đã cho thu hoạch. Ngoài bơ chính vụ, hiện gia đình ông Lê Sĩ Vĩ ở xóm Sơn Hạ, xã Nghĩa Sơn mới thu hoạch xong 150 cây bơ Booth trái vụ trên diện tích 0,5ha đã thu được 200 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, ông Trương Quang Thắng cho biết: "Nghĩa Phú có 1.000ha đất đỏ bazan rất phù hợp với các giống cây ăn quả, xã tôi hầu như không có đất lúa, bởi vậy lãnh đạo xã đã có quy hoạch rõ ràng cho các vùng cây. Đối với cây bơ, hiện dân trong xã đã trồng được 30 ha, trong đó hầu như trồng xen trong các nương vườn hoa quả khác là chủ yếu. Còn trồng bơ tập trung mới chỉ có gia đình ông Trần Hưng Đạo có 1ha, Trương Quang Nam, Phan Đình Lý, Hoàng Văn Đắc, mỗi hộ cũng có đến 0,5ha...".
Cũng theo ông Thắng, cây bơ giống sáp, hay Booth ghép bầu trồng sau 3 năm thì cho thu hoạch bói, còn đến năm thứ 4 trở đi, bơ mới đi vào kinh doanh đồng loạt. Sản phẩm bơ Nghĩa Phú mới cho thu hoạch vài năm nay, nhưng đã nổi tiếng khắp nơi, vì đây là vùng bơ đầu tiên trên cả vùng đất Phủ Quỳ. Không những thế, chất bơ ở đây rất chuẩn mực về độ an toàn thực phẩm, bởi cây bơ kể từ lúc ra hoa cho đến lúc hái quả, nông dân không hề sử dụng thuốc BVTV.
Ông Hoàng Văn Đắc ở xã Nghĩa Phú trồng 120 cây bơ xen trong vườn na và ổi, nhưng bơ có giá trị kinh tế cao nhất
Và cũng vì sự hâm mộ của thị trường người tiêu dùng, nên sản phẩm bơ đến kỳ thu hoạch, thương lái đã đến tận từng nhà đặt cọc đăng ký mua hết tại vườn với giá bơ chính vụ 25 nghìn đồng/kg, bơ trái vụ 50 nghìn đồng/kg. Có những hộ, khi bơ mới đậu quả bằng đầu ngón tay đã thấy thương lái vào đặt cọc mua hết cả vườn, với giá từ 3 đến 3,5 triệu đồng/cây. Nghĩa là chủ nhà sau khi nhận tiền rồi chỉ việc trông coi, bảo vệ, không được hái bán cho người khác. Còn việc mất mùa hay rụng quả là do bên mua chịu...