Ngày 15/1, Quốc Hội khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, trong đó có nội dung xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi. Đây là thông tin đang được người dân, nhà đầu tư , kinh doanh bất động sản quan tâm.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng mặc dù Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được thông qua, nhưng nhiều điểm mấu chốt vẫn phải đợi thêm Luật Đất đai sửa đổi.
Theo VARS, bên cạnh các nội dung đã được số đông biểu quyết, đồng tình vẫn còn khoảng 20 điểm, vấn đề chưa thực sự được thống nhất. Đây đều là những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thị trường bất động sản .
Cụ thể: Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lợi ích người dân:
Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần được quy định cụ thể, đúng người, đúng việc. Tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân.
Về quyền lợi của người dân khi có đất đai thuộc diện thu hồi, cần có cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng phù hợp, đảm bảo chế độ cho người dân, để họ không bị thiệt. Đồng thời, cần có những phương án bố trí tái định cư đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân. Không để người dân bị dồn vào thế khó, tránh tuyệt đối tâm lý "bị cưỡng chế/cưỡng đoạt".
Tiếp theo đó là nhóm vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư :
Trong đó, việc tiếp cận đất đai cần được thực hiện theo hướng công khai và minh bạch hơn. Các quy định về đấu giá, đấu thầu cần cụ thể, thủ tục đơn giản, tránh rườm rà. Quá trình thực hiện phải đảm bảo sự công bằng.
Với quy định tính tiền sử dụng đất, VARS nói phương án tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường đã được đưa ra bàn luận rất nhiều. Cần có những quy định, tính toán, cân nhắc rất kỹ mới có thể hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Với phương án nộp tiền sử dụng đất, thay vì yêu cầu chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất một lần, có thể xem xét phương án nộp tiền sử dụng đất hàng năm.
Riêng thực hiện các dự án nhà ở thương mại, đô thị hỗn hợp… phải có diện tích đất ở có sẵn trong dự án, và chủ đầu tư phải tự đảm bảo thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng 100% liệu có gây khó cho doanh nghiệp hay không?
Thứ 3 là nhóm vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước:
Tính đến 30/12/2023, đã có khoảng 40/63 tỉnh thành trên cả nước được phê duyệt quy hoạch chung. Đây là căn cứ cơ sở, động lực cho sự phát triển thị trường bất động sản tại các địa phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn cần có những quy định cụ thể và thống nhất, giúp các địa phương cụ thể hóa thực thi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi chức năng và phê duyệt dự án đầu tư.
"Việc tích cực rà soát nhằm thông qua Luật Đất đai sửa đổi là một động thái rất quyết tâm của Chính phủ, nhằm sớm hoàn thiện các thể chế, để kích thích, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo sự phù hợp và 'ăn khớp' với chủ trương, tinh thần, các quy định của các Luật liên quan khác.
Vấn đề "chất lượng về nội dung" nên được đề cao hơn là "thời gian hoàn thành và thông qua Luật", đại diện VARS cho hay.