Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin đã gửi công văn tới Bộ Tư pháp đề xuất nội dung rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19 liên quan đến việc thực hiện thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP. HCM từ ngày 1/7/2021.
Theo đó, đơn vị này kiến nghị Bộ Tư Pháp báo cáo và đề nghị Chính phủ có ý kiến với HĐND và UBND TP. HCM để xem xét việc không thu các loại phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ít nhất là đến hết 31/12/2021.
Ngoài ra, điều chỉnh các mức thu giảm xuống theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp ngân sách chính cho TP. HCM. Các doanh nghiệp hội viên VASEP nhận định, việc thu thêm phí này có nhiều điểm không hợp lý, tạo nên tình trạng "phí chồng phí".
Báo cáo nêu rõ, xây dựng đề án thu phí hạ tầng cảng biển của TP. HCM, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển nhằm phục vụ bảo trì và mở rộng đường bộ, xây dựng cầu, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông... Song, từ trước đến nay các doanh nghiệp đã phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như: phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT...
Chỉ tính riêng phí BOT, doanh nghiệp đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT. Đơn cử, hiện tại từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP. HCM) có tới 7 trạm thu phí BOT, mỗi container hàng phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về. Với mức đóng phí qua 1 trạm là là 360.000 đồng, tổng phí cầu đường 1 container hàng phải trả lên tới 2,5 triệu đồng.
Như vậy, trung bình mỗi năm, một doanh nghiệp thủy sản ở Khánh Hòa xuất khẩu 3.000 container phải đóng 7,5 tỷ đồng phí trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển của TP. HCM, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP. HCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm.
Chưa kể, hầu hết tất cả các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm. Theo đó, mỗi sản phẩm hoàn chỉnh sẽ phải chịu 2 lần phí, một lần cho container hàng nhập khẩu và một lần cho container hàng xuất khẩu.
Vì vậy, việc thu thêm các loại phí mới sẽ gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong khi đang phải vật lộn với nhiều khó khăn khác như: giá cước vận chuyển biển tăng đột biến, sức tiêu thụ giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản cũng kiến nghị TP. HCM cần công khai, minh bạch cụ thể các khoản thu và chi như thế nào, vào những công trình cụ thể nào, không sử dụng ngân sách thu từ các khoản này vào các hoạt động, các công trình không phục vụ hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu tại các cảng biển của các doanh nghiệp.
Cho đến nay, thành phố chưa có thông báo công khai và minh bạch về việc sử dụng các mức phí này cho những công trình cụ thể nào, nhưng lại đang yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm các phí về xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đáng chú ý, các cảng biển hiện đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng như phí cầu tàu, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container... Việc thu thêm phí cũng gia tăng gánh nặng về thủ tục hành chính và thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp lẫn đơn vị thu. Mức thu phí được thành phố ban hành cũng thể hiện phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp mở tờ khai tại TP. HCM và ngoài TP. HCM.
Điều này có thể khiến các doanh nghiệp ngoài TP. HCM đồng loạt chuyển về khai báo hải quan tại TP. HCM, tạo ra nguy cơ gây tắc nghẽn mạng và quá tải cho hải quan TP HCM. VASEP cho biết, hiện nay hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP HCM.
Chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung.
Dựa vào những phân tích trên, theo VASEP, thu phí hạ tầng cảng biển của TP. HCM trong giai đoạn là chưa phù hợp và đi ngược lại chủ trương chung của Chính phủ là thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động.