Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây nhận được thắc mắc của công dân về quy định trình tự, thủ tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi ngân hàng.
Cụ thể, ông Bùi Thái (TPHCM) là lao động tự do, vay ngân hàng mua xe ô tô trả góp hàng tháng. Ông sử dụng xe làm phương tiện đi làm và chở khách để có thêm thu nhập. Nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, ông Thái phải nghỉ việc nên không có khả năng trả góp cho ngân hàng.
Ông Thái có tham khảo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc xin gia hạn và cơ cấu nợ vay. Tuy nhiên, hiện do tình hình dịch COVID-19 phải cách ly nên ông không thể trực tiếp nộp đơn cho ngân hàng để đề nghị cơ cấu gia hạn nợ.
Ngoài ra, năm 2019 ông có vay tín chấp của tổ chức tín dụng FE Credit để làm vốn kinh doanh và cũng đang trả góp hàng tháng. Khi ông liên hệ với ngân hàng để đề nghị làm đơn xin cơ cấu gia hạn nợ thì được tư vấn là phải nộp đơn trực tiếp với chi nhánh đã ký hợp đồng vay. Do tình hình dịch ông không di chuyển từ tỉnh đến TPHCM nộp đơn được.
Ông Thái đề nghị cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ ông cũng như các khách hàng vay khác có thể thuận tiện gửi đơn cơ cấu gia hạn nợ với ngân hàng cũng như tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/04/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN), tổ chức tín dụng có trách nhiệm ban hành quy định nội bộ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong việc thực hiện các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ.
Do đó, việc quy định phương thức làm việc trực tiếp hoặc phương thức khác thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng theo quy định.
Đề nghị, khách hàng làm việc với tổ chức tín dụng cho vay để được hướng dẫn theo quy định.