Cộng đồng doanh nghiệp cho biết, đang rất mệt mỏi và đuối sức trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Sức khỏe của doanh nghiệp đang yếu, do bị Covid “đánh” cho tan hoang. Nhiều ngành nghề đã phải kêu cứu Nhà nước.
Tan hoang doanh nghiệp
Trong đơn cầu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) cho hay đại dịch Covid-19 xảy ra hơn 1 năm qua gây rất nhiều khó khăn, hệ lụy cho các chủ tàu và người lao động. Hiện hơn 500 tàu du lịch tại Hạ Long đang trong tỉnh cảnh nằm bờ “chờ chết”. Vì dịch bệnh nên không có khách du lịch, các tàu phải hoạt động cầm chừng. Không có nguồn thu, trong khi vẫn phải duy trì các chi phí hàng tháng như tiền lương, bảo hiểm cùng nhiều chi phí khác.
Đặc biệt, vốn vay ngân hàng đã thực sự trở thành gánh nặng khủng khiếp và cực kỳ nguy hiểm cho mỗi chủ tàu. Hiện cơ cấu nguồn vốn vay thường chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án. Khi Covid-19 ập đến thì tất cả cùng chung số phận là mất sạch mọi nguồn thu vì không có khách, dẫn đến nguy cơ không thể trả nợ vay cả vốn và lãi đã hiện hữu.
Tàu vịnh Hạ Long nằm bờ do không có khách |
Các doanh nghiệp đã huy động mọi nguồn lực có thể để đảm bảo duy trì hoạt động nhưng đến nay đã cạn. Doanh nghiệp không còn cách nào khác phải kêu gọi sự giúp đỡ từ Nhà nước để thoát khỏi bờ vực phá sản. Thời điểm trước dịch, ngành kinh doanh dịch vụ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long tạo việc làm cho trên 5.000 lao động.
Trong khi đó, số liệu của TP.HCM cho thấy, từ đầu năm 2020 đến tháng 5/2021, tổng cộng có 171 doanh nghiệp xin rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong đó có 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Thành phố hiện chỉ còn khoảng 50% số doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động. Mảng lưu trú du lịch cũng không sáng sủa hơn, do lượng khách du lịch giảm mạnh, dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm. Các khách sạn từ 3-5 sao hoặc tương đương đều sụt giảm doanh thu đến 70%, một số tạm ngưng hoạt động.
Còn trên cả nước, năm 2020 có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019. Một số doanh nghiệp lớn đang duy trì hoạt động nhưng cắt giảm 50-80% lao động.
Sau hai đợt dịch bùng phát trong năm 2021, doanh thu lữ hành tại nhiều doanh nghiệp hiện chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Con số sụt giảm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch cho biết, gánh nặng hiện nay là dù không có doanh thu nhưng họ phải vẫn chi trả các khoản chi phí cố định như: chi phí thuê mặt bằng, lương, bảo hiểm, thuế, lãi vay,... Nếu tình hình này kéo dài sẽ có nhiều doanh nghiệp phải phá sản.
Các doanh nghiệp vận tải cho thuê xe tự lái cũng đang điêu đứng trong mùa dịch. Theo đại diện Hội thuê xe tự lái Ibookcar tại TP.HCM, đợt dịch lần thứ 4 này ảnh hưởng nặng nhất từ trước đến nay. Lượng khách gần như bằng không. Hiện tại, các nhà xe trong hội đều đang rất hoang mang vì lượng khách không có mà phải tốn rất nhiều chi phí để duy trì hoạt động cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có lượng xe lớn, mua trả góp, phải trả lãi ngân hàng hàng tháng, như “ngồi trên lửa”. Tiếp đến là các chi phí khác như: tiền thuê mặt bằng, nhân viên, điện, nước... đang trở thành gánh nặng ngày càng lớn.
Mong gói hỗ trợ
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản gây lo ngại như vậy. Hầu hết các DN đều mắc kẹt trong đợt dịch Covid lần thứ 4...
Trong số đó, doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng ngưng hoạt động nhiều nhất với 90,9%, quy mô 10-20 tỷ là 5% và quy mô 50-100 tỷ đồng là gần 1%. Ngoài ra, có gần 200 doanh nghiệp quy mô vốn trên 100 tỷ đồng cũng tạm ngừng kinh doanh, tăng 44,3% so với năm 2020.
Các doanh nghiệp vận tải cho thuê xe tự lái cũng đang điêu đứng trong mùa dịch |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận xét, đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp lớn rút khỏi thị trường, khiến cơ quan quản lý rất lo lắng. Bộ này đang tìm hiểu xem nguyên nhân từ đâu, nhưng có một nhận định chung là sức khỏe của doanh nghiệp đang yếu. Ông cho rằng, họ bị Covid-19 “đánh” cho tan hoang, “mất nửa phổi rồi”, không “thở” tiếp được.
Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/6, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, chính sách hỗ trợ Covid vừa qua triển khai chậm, chưa tiếp cận được những người dân, doanh nghiệp dễ bị tổn thương, khó khăn vì dịch. Đến ngày 27/5/2021, gói hỗ trợ tiền mặt mới thực hiện được 13.100 tỷ đồng, tương đương 36,5% quy mô gói (35.880 tỷ đồng).
Tương tự, mới có 245 doanh nghiệp được vay để trả lương cho nhân viên nghỉ việc do dịch Covid-19 thông qua gói vay 16.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền gần 42 tỷ đồng, tức là mới giải ngân được 0,26%. Còn gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng, hiện cũng mới giải ngân được trên 12%...
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, đang rất mệt mỏi và đuối sức trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp là việc quan trọng, cần phải làm ngay lúc này. Một số chính sách giãn thời hạn nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội, nộp tiền thuê đất... tuy giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn, nên hiệu quả thấp.
Hiện giờ, các doanh nghiệp mong muốn được giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT), giảm thêm các loại phí, được khoanh nợ, giãn nợ trong thời gian dài và giảm lãi suất cho vay với những khoản vay hiện hữu. Được vay gói lãi suất 0% để trả lương người lao động, cùng với đó là được hỗ trợ vay vốn mới với lãi suất thấp để duy trì và phục hồi sản xuất.
Trần Thủy