Theo hãng tin Bloomberg, tỷ phú Elon Musk có ý định bán bớt 1/3 cổ phần Tesla để vay gần 13 tỷ USD nhằm hoàn thành thương vụ Twitter. Dù có giá trị tài sản ròng lên đến 265 tỷ USD nhưng nhà sáng lập Tesla lại chỉ có khoảng 3 tỷ USD tiền mặt và một số ít tài sản có tính thanh khoản, vì vậy việc bán hoặc thế chấp cổ phần vay vốn là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên theo Bloomberg, việc Elon Musk vay nợ quá nhiều có thể khiến chi phí lãi vay của Twitter lên đến 1 tỷ USD mỗi năm, thu hẹp hơn lợi nhuận của công ty này.
Đốt tiền
Với những khoản tín dụng được dùng để mua Twitter, hãng CreditSights ước tính chi phí lãi vay của mạng xã hội này vào khoảng 900 triệu USD/năm nhưng Bloomberg Intelligence thì cho rằng con số nằm trong khoảng 750 triệu USD- 1 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 53,5 triệu USD trước khi thương vụ diễn ra.
Nếu con số này là chính xác thì Twitter sẽ phải đốt rất nhiều tiền để trả nợ, đồng thời Elon Musk sẽ gặp áp lực tăng doanh thu, lợi nhuận của mảng xã hội này cũng như giảm chi phí nhằm quay vòng vốn. Xin được nhắc rằng Twitter chưa đạt nổi 1 tỷ người dùng như Facebook, đồng thời cũng có số người truy cập hàng ngày chỉ bằng 1/11 so với mạng xã hội của Mark Zuckerberg.
Mảng quảng cáo của Twitter cũng chẳng thể đọ nổi Youtube của Google khi doanh số chỉ bằng 1/5 so với đối thủ trong quý vừa qua.
"Đây là một cơ cấu vốn đầu tư khá tệ cho một mô hình kinh doanh không có nhiều lợi nhuận như Twitter. Mạng xã hội này đã hoạt động được một thời gian nhưng chưa bao giờ tìm được cách thu hút thêm người dùng", giám đốc John McClain của Brandywine Global Investment Management nhận định.
Mới đây, thậm chí Elon Musk tạm hoãn thương vụ và nhiều người cho rằng đây là chiêu trò mặc cả khi giá cổ phiếu Twitter giảm so với mức giá mà tỷ phú này đồng ý trả trước đó.
Để mua được Twitter, nhà sáng lập Tesla đã kêu gọi được 19 nhà đầu tư khác nhằm gom 27,25 tỷ USD. Ngoài ra, Elon Musk còn định vay thế chấp thêm 6,25 tỷ USD nữa từ cổ phiếu Tesla bên cạnh những khoản vay thế chấp cũ. Thế rồi một số tổ chức như Apollo Global Management hay Sixth Street cũng được kêu gọi tham gia dự án.
Theo chuyên gia phân tích Jordan Chalfincuar hãng Credit Sights, việc vay nợ quá nhiều sẽ khiến Twitter gặp áp lực trả lãi vay và nếu chỉ một sai lầm nhỏ xảy ra cũng có thể khiến khoản đầu tư của Elon Musk cùng các công ty đồ sông đổ bể.
Tiền đâu?
"Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều rủi ro hiện nay, điều đầu tiên các công ty thường làm là cắt giảm chi phí quảng cáo", chuyên gia Robert Schiffman của Bloomberg Intelligence nhận định.
Xin được nhắc lại là doanh thu quảng cáo quý gần nhất đã đem về cho Twitter 1,41 tỷ USD, chiếm phần lớn tổng doanh thu của mạng xã hội này. Hãng JP Morgan Chase thì cho biết 85% doanh thu của Twitter được tạo ra thông qua quảng cáo thương hiệu.
Với bối cảnh khó khăn như hiện nay thì việc Elon Musk làm thế nào khiến Twitter sinh thêm lợi nhuận trả nợ cũng như làm hài lòng các cổ đông vẫn là một câu hỏi.
Tồi tệ hơn, kể cả Twitter muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng khó bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đã khiến chi ví vay tăng cao.
Theo Bloomberg, lợi nhuận trước thuế (EBITDA) năm 2022 của Twitter có thể đạt 1,67 tỷ USD nhưng chi phí tài sản cố định (CAPEX) lại lên đến 925 triệu USD. Nếu trừ đi số này cộng với khoản chi phí lãi vay tăng thêm do Elon Musk mua lại Twitter thì mạng xã hội này đang thiếu tiền trầm trọng.
Chuyên gia Chalfin của Credit Sights cho biết nếu Elon Musk tạo thêm được doanh thu cho Twitter thì khoản nợ này sẽ dần biến mất theo thời gian. Twitter sẽ bình ổn được bảng cân đối kế toán vào năm 2023 và dần sinh lợi nhuận kể từ năm 2024. Ngược lại nếu không có hướng đi mới, khoản đầu tư này nhiều khả năng sẽ trở thành gánh nặng cho nhà sáng lập Tesla.
Đồng quan điểm, chuyên gia Schiffman của Bloomberg Intelligence cho biết Twitter hiện chỉ có 6,3 tỷ USD tiền mặt cùng các khoản đầu tư ngắn hạn, chỉ đủ để hỗ trợ công ty trong vài năm mà thôi.
Chúa chổm
Trong khi Twitter nợ ngập đầu vì Elon Musk thì bản thân nhà tỷ phú này cũng trở thành "chúa chổm".
Thống kê của hãng nghiên cứu Audit Analytics cho thấy tính đến sau thương vụ Twitter, tổng cộng Elon Musk đã thế chấp 90 tỷ USD giá trị cổ phiếu để vay vốn. Con số này biến nhà sáng lập Tesla trở thành CEO nợ nần nhiều nhất nước Mỹ, vượt qua cả CEO Larry Ellison của Oracel vốn chỉ thế chấp 24 tỷ USD cổ phiếu.
Trước khi thương vụ Twitter diễn ra, hồ sơ của Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) cho thấy Elon Musk đã thế chấp 88 triệu cổ phiếu Tesla để vay vốn nhưng chưa rõ tổng số tiền vay được là bao nhiêu.
Hãng tin CNBC nhận định do cổ phiếu Tesla có hệ số Beta (đo lường mức độ biến động và là thước đo rủi ro cổ phiếu) cao nên ngân hàng sẽ đòi hỏi tổng giá trị cổ phiếu thế chấp cao hơn số tiền giải ngân.
Nếu động thái thế chấp vay vốn này được thực hiện vào năm 2020 khi giá cổ phiếu Tesla ở 90 USD/cổ thì Elon Musk có khả năng vay được khoảng 2 tỷ USD. Thế nhưng với đà tăng giá cổ phiếu thì hiện nay Elon Musk có thể vay thêm 20 tỷ USD từ khoản thế chấp 88 triệu cổ phiếu trên.
Hãng tin CNBC cho biết hầu như chắc chắn Elon Musk đã vay vốn hết hạn mức từ khoản thế chấp 88 triệu cổ phiếu trên. Nếu cộng với 60 triệu cổ phiếu thế chấp thêm để huy động vốn cho thương vụ mua Twitter thì hiện hơn 80% cổ phần Tesla mà Elon Musk sở hữu đang nằm dưới dạng thế chấp.
Nếu nhận định trên là chính xác thì Elon Musk chỉ còn 25 tỷ USD cổ phiếu chưa thế chấp. Vậy nhưng nhà sáng lập Tesla vẫn phải bán 21 tỷ USD cổ phiếu để hoàn thành thương vụ Twitter. Như vậy nếu cộng cả các khoản thuế thì về lý thuyết, hầu như toàn bộ cổ phiếu Tesla chưa bán của Elon Musk đã, đang hoặc sẽ bị đem đi thế chấp để đủ tiền mua Twitter.
Thống kê của Audit Analytics cho thấy số cổ phiếu thế chấp vay vốn của Elon Musk từ trước khi thực hiện thương vụ Twitter đã chiếm đến 1/3 trong số 240 tỷ USD tổng giá trị các cổ phiếu bị đem đi thế chấp trên sàn NYSE và Nasdaq.
Những tiết lộ mới nhất cho Elon Musk sẽ chi tiền túi để trả 2/3 trong số khoản 44 tỷ USD mua lại Twitter. Thế nhưng tổng tài sản của ông chỉ có khoảng 250 tỷ USD và phần lớn dưới dạng cổ phiếu Tesla, SpaceX và The Boring Co.
Hệ quả là Elon Musk sẽ phải bán hàng triệu cổ phiếu Tesla cũng như thế chấp ngân hàng nhằm huy động đủ nguồn vốn cho thương vụ này.
Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết hồ sơ mua lại Twitter của Elon Musk cho thấy tỷ phú này sẽ vay nợ 13 tỷ USD và chi tiền mặt 21 tỷ USD nhờ bán cổ phiếu Tesla. Ngoài ra Elon Musk cũng sẽ vay nợ thế chấp cổ phiếu Tesla để đổi 12,5 tỷ USD.
Tuy nhiên do hệ số Beta cao nên nhiều khả năng Elon Musk sẽ phải thế chấp lượng cổ phiếu có giá trị 65 tỷ USD theo giá thị trường hiện nay, chiếm đến ¼ tổng giá trị cổ phiếu của tỷ phú này trong Tesla, để đổi lấy 13,5 tỷ USD vay vốn từ ngân hàng.
*Nguồn: Bloomberg