Vay online 2 triệu đồng, sau 1 tháng đội lên hơn 200 triệu, người thân cũng bị đe dọa, khủng bố đòi nợ

17/12/2021 14:43
Từ ý định ban đầu chỉ vay 2 triệu, chị N đã vay tới 78 lần qua nhiều App với hơn 200 triệu đồng từ ngày 3/11 đến 3/12. "Lãi mẹ đẻ lãi con" và mất khả năng thanh toán, chị N và người thân trong gia đình liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa, đăng tải hình ảnh bôi nhọ lên mạng xã hội.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc mới đây cho biết nhận được đơn tố cáo của một số người dân về việc bị cắt ghép hình ảnh, thông tin sai sự thật đăng tải lên mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đồng thời một số đối tượng không rõ lai lịch thường xuyên gọi điện quấy rối, đe dọa. Qua điều tra, cơ quan Công an xác định các vụ việc trên đều có nguyên nhân từ việc người dân vay tiền qua các app, công ty tài chính online.

Cụ thể, một trường hợp vừa gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh là ông N.A.T, giáo viên của một trường PTTH trên địa bàn tỉnh. Qua mạng xã hội facebook, ông T. biết đến các app cho vay tiền online. Thấy nội dung quảng cáo vô cùng hấp dẫn như "giải ngân nhanh", "không cần tài sản thế chấp"…, ông T. quyết định ký hợp đồng tín dụng vay hơn 31 triệu đồng với Công ty Tài chính TNHH MTV MIRAE ASSET Việt Nam, địa chỉ ở Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Thời hạn vay là 3 năm với lãi suất 25%/năm, chia thành 36 kỳ trả lãi và gốc, thời hạn cuối cùng trả gốc và lãi là 15/12/2021.

Trong khoảng một năm sau khi vay tiền, ông T. đã trả tiền lãi và gốc đầy đủ. Tuy nhiên sau đó, ông T. gặp khó khăn về kinh tế nên không tiếp tục trả lãi và gốc theo như thỏa thuận. Hậu quả, món nợ của ông T. đã bị Công ty Tài chính TNHH MTV MIRAE ASSET Việt Nam bán cho một công ty chuyên về đòi nợ. 

Công ty đòi nợ này đã tìm kiếm thông tin của ông T. qua mạng xã hội Facebook, cắt ghép hình ảnh của ông T. với những nội dung không đúng sự thật để gửi đến trang Fanpage của trường học nơi ông T. công tác và những người bạn của ông T. trên facebook nhằm gây sức ép buộc ông T. phải trả nợ. Những nội dung xuyên tạc đó đã ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến cá nhân ông T. và uy tín của nhà trường, buộc ông T. phải gửi đơn cầu cứu đến cơ quan Công an.

Một trường hợp khác là chị N.T.H.N, sinh năm 1986, ở thị trấn Hợp Châu(Tam Đảo), công nhân của một công ty thuộc KCN Khai Quang(Vĩnh Yên). Cũng thông qua mạng xã hội facebook, chị N. được giới thiệu vay tiền trên trang Web "vaytucthi.com". 

Ngày 03/11/2021, chị N. truy cập vào trang Web này lập hồ sơ vay 2 triệu đồng trong thời hạn 180 ngày. Sau khi chụp ảnh chân dung, CCCD kèm theo sổ hộ khẩu gửi đi, tài khoản của chị N. nhận được 1 triệu đồng. Chị N. thắc mắc thì các đối tượng giải thích đã cắt phí và thu lãi trước 1 triệu trừ luôn vào số tiền chị vay. Như vậy, tính ra lãi suất chị N. phải trả cho khoản vay là 71.245 đồng/1 triệu/ngày, tương đương với 2.607%/năm. 

Sau 7 ngày, đến 10/11/2021, chị N. bị các đối tượng gọi điện yêu cầu thanh toán khoản vay trên. Vì không có khả năng trả nợ, chị N. tiếp tục vay tiền ở các App khác trên trang Web này như: vt.vay.com; m.1.svi.com; App Lồng Đèn, App Trâu Đi Cày, App Điểm Phát Lộc, App Vinda, App Thái Bình, App Jeep….với mức lãi suất tương tự như trên. Tổng số từ ngày 03/11 đến 03/12/2021, chị N. đã vay 78 lần với hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, chị chỉ được giải ngân khoảng 140 triệu đồng, còn lại bị các App cắt lãi, cắt phí trước….

Toàn bộ số tiền được giải ngân vẫn không đủ để thanh toán cho các App vay trước đó, chị N. phải vay thêm hơn 100 triệu đồng của nhiều người thân trong gia đình để thanh toán cho các App. Tuy nhiên, với cách tính "lãi mẹ đẻ lãi con", đến ngày 5/12/2021, chị N. vẫn còn nợ trên 100 triệu đồng của 36 App và không còn khả năng chi trả. Kể từ đó, chị N. và người thân trong gia đình liên tục bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin đe dọa, đăng tải hình ảnh bôi nhọ chị lên các trang mạng xã hội để khủng bố đòi nợ. Quá sợ hãi, chị N. đã phải viết đơn trình báo Cơ quan Công an.

Trên đây chỉ là hai trường hợp điển hình vay tiền qua app và đã phải nếm "trái đắng" từ dịch vụ này. Ông T. và chị N. cho biết, do thường xuyên nhìn thấy các quảng cáo trên mạng xã hội về các app vay tiền online nên khá tò mò. Khi đọc nội dung quảng cáo thấy giới thiệu hình thức vay tín chấp với thủ tục đơn giản và cam kết "bảo mật", "an toàn", "giải ngân tức thì"... nên đã tin tưởng vay tiền thông qua các app này mà hoàn toàn không ngờ đến hậu quả đằng sau nó.

Thiếu tá Đỗ Đình Thành, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hình thức cho vay tiền qua app chính là một biến tướng của "tín dụng đen". Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, dịch vụ cho vay tiền qua app ngày càng nở rộ trong những năm gần đây. Khi quảng cáo, các đối tượng luôn nhấn mạnh đến tính đơn giản, nhanh gọn trong thủ tục cho vay và giải ngân, thậm chí còn quảng cáo "lãi suất thấp" nhưng thực tế lãi suất cho vay qua các app thường cao gấp nhiều lần so với quy định cho phép. Bên cạnh đó, một số người vay chủ quan cho rằng bên cho vay ở đâu đó rất xa và hoàn toàn không quen biết nên không có áp lực trong việc trả nợ mà không ngờ đến những thủ đoạn đòi nợ nguy hiểm của các đối tượng. 

Trong đó, thủ đoạn phổ biến các đối tượng thường sử dụng là tìm mọi cách uy hiếp tinh thần của người vay bằng cách tung tin bôi nhọ họ trên mạng xã hội, đồng thời thường xuyên gọi điện quấy rối cả bạn bè, người thân, cơ quan, đơn vị… của người vay làm cho họ phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận xung quanh. Nếu vẫn chưa đòi được tiền, các đối tượng có thể sẵn sàng sử dụng vũ lực xâm phạm chỗ ở, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí gây án mạng đối với các con nợ.

Thiếu tá Đỗ Đình Thành cảnh báo, nhu cầu vay tiền của người dân dịp cuối năm, đặc biệt là thời gian tết Nguyên đán thường tăng cao. Nếu người dân không tỉnh táo sẽ rất dễ mắc bẫy của các đối tượng "tín dụng đen", trong đó có hình thức vay tiền qua app. Để phòng ngừa loại tội phạm này, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã và đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố tiếp tục triển khai đề án đấu tranh quyết liệt với tội phạm liên quan "tín dụng đen", đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những thủ đoạn của loại tội phạm này nói chung và hệ lụy của hình thức vay tiền qua app nói riêng. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, công tác đấu tranh với loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng hoạt động trên không gian mạng, không đăng ký địa chỉ cụ thể nên việc xác minh rất phức tạp.

Theo đó, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân không nên vay mượn tiền của các app vay tiền không rõ nguồn gốc, từ các "công ty tài chính" không được cấp phép và cả các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi nơi công cộng... 

Người dân có nhu cầu vay tiền nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống được nhà nước cho phép hoạt động và cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ… Trường hợp bất đắc dĩ phải vay tiền của các Công ty tài chính và các App trên mạng thì cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay và có phương án chấm dứt khoản vay sớm. Khi phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến "tín dụng đen", người dân nên báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được can thiệp và bảo vệ kịp thời.

Tin mới

Cận cảnh siêu phẩm sedan cỡ nhỏ: Trang bị cửa sổ trời cùng loạt tính năng hiện đại, ăn 3,88 lít xăng/100 km
5 giờ trước
Chiếc sedan đến từ thương hiệu Nhật Bản có khả năng tiết kiệm nhiên liệu ấn tượng khi chỉ hết 3,88 lít/100 km.
Xuất khẩu thủy sản trên đà phục hồi hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD
7 giờ trước
10 tháng qua, xuất khẩu thủy sản của nước ta tăng 28% so với cùng kỳ năm ngóai, khả năng cao sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay.
Thái Lan có động thái mới vụ 7 tấn nho Shine Muscat nghi nhiễm độc
8 giờ trước
Nước này triển khai quy trình nghiêm ngặt trước thông tin trên.
Một mẫu iPhone đang giảm hơn 13 triệu, giá bán chỉ từ 8 triệu đồng
9 giờ trước
Hiện tại, mẫu iPhone này đang được bán tại nhiều đại lý với mức giá cực rẻ.
"Vua doanh số" của Xiaomi, bán chạy hơn S24 Ultra: Màn hình mượt hơn iPhone 16, giá chưa đến 3 triệu
9 giờ trước
Đâu là lý do khiến mẫu điện thoại giá rẻ này có sức hút lớn như vậy?

Tin cùng chuyên mục

Sếp Tổng cục Thuế: Sàn Temu đã kê khai thuế nhưng “ghi doanh thu bằng 0”, cơ quan thuế đang giám sát
1 ngày trước
Đây là thông tin mới nhất được lãnh đạo Tổng cục Thuế đưa ra khi trả lời báo chí về xử lý các vấn đề liên quan đến đăng ký mã số thuế và báo cáo doanh thu tự nộp của sàn này ở Việt Nam.
Chiếc iPhone này đang bán chạy nhất thế giới, không phải iPhone 16!
1 ngày trước
Theo Counterpoint Research, trong quý 3/2024, mẫu iPhone này đang có doanh số bán ra cao nhất thế giới.
Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán hàng: Có dễ thực hiện?
1 ngày trước
Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này nêu rõ trách nhiệm cho các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT.
6 tháng, Ngân hàng Nhà nước bán ra hơn 13 tấn vàng: Vì sao người Việt vẫn "mê" vàng đến thế?
1 ngày trước
Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường hơn 13 tấn vàng trong vòng 6 tháng để "hạ nhiệt" giá vàng.