Vay tiền mua nhà đã dễ
Tháng 9/2022, vợ chồng anh Đức Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tìm mua nhà đất ở khu vực Mỹ Đình. Sau khi ưng căn nhà diện tích 43,5m2 tại Đại Mỗ với giá 3,8 tỷ đồng, vợ chồng anh Đức Anh liên hệ với nhân viên tín dụng với ngân hàng để nhờ giải ngân song song. Tuy nhiên, phía nhân viên tín dụng thông báo: “Chi nhánh đang hết room tín dụng”. Liên hệ với một ngân hàng đến từ Hàn Quốc, thông tin mà anh nhận được cũng tương tự. Nhân viên tín dụng cho biết: “Phải chờ đợi thêm room tín dụng mới có thể cho vay”.
Người mua nhà lo ngại mức lãi suất cho vay cao.
Đến tháng 1/2023, anh Đức Anh nhận được cuộc gọi từ nhân viên tín dụng ngân hàng. “Nhân viên này thông báo với tôi về việc, hiện tại việc cho vay đã trở nên dễ dàng hơn. Và hỏi tôi còn nhu cầu cho vay không?”
Nguyễn Thuỷ (nhân viên tín dụng tại ngân hàng tư nhân) cũng cho biết: “Hiện tại, phía ngân hàng đang làm phê duyệt hồ sơ cho vay mua nhà đã dễ dàng, đặc biệt với loại hình chung cư, nhà đất. Thời gian duyệt và cho vay nhanh hơn”. Tuy nhiên theo chị Thuỷ, loại hình vay mua đất nền, hồ sơ vay sẽ khó được phê duyệt.
“Năm 2022, ngân hàng tôi đang làm việc đã gần hết room cho vay từ tháng 6. Nên việc giải ngân hồ sơ chậm lại ở nửa cuối năm 2022. Nhưng đến năm 2023, với room tín dụng mới, chỉ tiêu tín dụng cho nhân viên mới, việc cho vay đã trở nên dễ dàng. Song, vấn đề phê duyệt hồ sơ sẽ khắt khe hơn, căn cứ vào mục đích vay”, chị Thuỷ nói thêm.
Trong cuộc trò chuyện gần đây, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc nhận định, bước sang năm 2023, với chỉ tiêu room tín dụng mới, người mua nhà sẽ dễ tiếp cận hơn với vốn vay ngân hàng. Trong khi đó nhu cầu mua nhà thực tế luôn cao nhưng trở ngại lớn nhất chính là việc giải ngân vốn vay gặp khó. Đây là lý do khiến thanh khoản thị trường sụt giảm ở thời điểm nửa cuối năm 2022.
Người mua vẫn chần chừ
Nhu cầu mua nhà dù chưa có tín hiệu giảm, song thực tế, người mua lại đang e dè vay ngân hàng. Trường hợp của anh Đức Anh là ví dụ điển hình. Lên kế hoạch mua nhà từ tháng 9, đến hiện tại, dù phía nhân viên tín dụng liên hệ để giải quyết thủ tục hồ sơ cho vay nhưng anh Đức Anh vẫn thận trọng xem xét. Lý do mà anh đưa ra, đó là vì lãi suất ngân hàng đang rất cao.
“Lãi suất cho vay năm đầu tiên 10,5%/năm. Những năm sau, lãi suất thả nổi. Phía ngân hàng tính: Lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất gửi tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 4,2%. Nếu tính mức lãi suất thả nổi hiện nay, lãi trung bình lên tới 12-13%. Ví dụ như vay 1 tỷ đồng để mua nhà trong vòng 20 năm, trung bình mỗi tháng, vợ chồng tôi phải trả tới 15 triệu đồng/tháng, bao gồm cả gốc và lãi. Năm nay, kinh tế còn khó khăn, thu nhập cắt giảm nên chúng tôi càng lo, không dám mua nhà”, anh Đức Anh chia sẻ thêm.
Tương tự như anh Đức Anh, chị Trần Hoài (hiện đang thuê trọ tại khu vực Thanh Xuân, Hà Nội) tạm dừng việc đi tìm nhà, mặc dù kế hoạch của gia đình chị mua nhà từ gần 2 năm trước. “Hỏi ngân hàng nào cũng thấy lãi suất tăng cao nên tôi sợ không dám mua nhà. Sợ nhất thả nổi như thời điểm 2011-2013 lên tới tận 18% thì gia đình khó gồng nổi”.
Khảo sát thực tế cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà chưa có dấu hiệu giảm. Đơn cử như, lãi suất cho vay mua nhà ngân hàng Wooribank trong năm đầu tiên là 10%, từ năm thứ 2, lãi suất thả nổi. Mức lãi suất này được tính bằng lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng trong nhóm Big4 cộng với biên độ 3,8%.
Ngân hàng Agribank hiện cho vay với mức lãi suất ưu đãi năm đầu tiên là 8%. Từ năm thứ 2, mức lãi suất thả nổi. Ngân hàng VIB cho vay với mức lãi suất mua nhà lên tới 13,5%/năm.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mức lãi suất cho vay cao là vấn đề khiến người mua nhà lo ngại. Đặc biệt, người mua nhà không dự trù được mức lãi suất thả nổi sẽ diễn biến thế nào nên khó đưa ra kế hoạch tài chính trả nợ. TS. Hiếu cho biết thêm: "Ở Mỹ, các ngân hàng cho vay 30 năm với lãi suất cố định. Tại Mỹ gọi là "30 year Fixed Rate Mortgage". Lãi suất cho vay này hiện nay vào khoảng 7%. Cách đây hơn 20 năm, khi mua nhà, lãi suất mà tôi vay khoảng 4%. Các ngân hàng Mỹ tính gốc và lãi cộng chung cho mỗi tháng, và lãi suất cũng như số tiền phải trả cả gốc và lãi không thay đổi trong suốt 30 năm”.
Còn ở Việt Nam, các ngân hàng có lãi suất thả nổi. Đó là vấn đề khá rủi ro đối với người mua nhà. Cũng bởi vấn đề này mà TS. Hiếu cho rằng, cần có lãi suất cố định cho người mua nhà. Và việc thúc đẩy người mua nhà dễ tiếp cận với vốn vay sẽ góp phần đẩy nhanh thanh khoản thị trường.
?