Tháng 4/2018, do gia đình có việc gấp, không biết xoay xở ở đâu, nên khi thấy một tờ giấy dán cho vay tiền bên ngoài khu vực chợ, bà Bà T.T.S (tiểu thương chợ An Cựu, TP Huế) đã liên hệ theo số điện thoại in to trên tờ giấy đó để hỏi thủ tục vay tiền.
Sau cuộc gọi, một thanh niên đến gặp trực tiếp bà S và xem hóa đơn tiền điện. Người này lập tức đồng ý cho bà S vay nóng 20 triệu đồng, lãi 3 triệu đồng/tháng.
Tờ quảng cáo cho vay tiền với lời mời hấp dẫn được dán nhan nhản trên các bờ tường, cột điện, trụ đèn giao thông... ở Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Công Thành)
Biết là tiền lãi cao, nhưng do cần gấp nên bà S đành chấp nhận. Tuy nhiên, thực tế nếu trả chậm tiền lãi hàng tháng thì sẽ bị cộng dồn rồi tính thêm lãi suất. Điều này khiến bà rơi vào tình cảnh "lãi mẹ đẻ lãi con", muốn trả tiền ngay cũng không được mà để lâu cũng không xong. Bà ăn không ngon, ngủ không yên vì lúc nào cũng nghĩ về tiền lãi.
Anh H.Đ.D. (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) 10 ngày nay bất an khi liên tục bị số điện thoại gọi đến nói rằng bạn anh vay vốn không thế chấp.
"Bạn tôi vay tiền rồi đưa số điện thoại của tôi cho người cho vay. Vì lãi suất nhiều quá, bạn tôi không có khả năng trả nợ nên những người này liên tục lấy các số điện thoại lạ quấy rầy", anh D. nói.
Bà S và anh D là hai trong số rất nhiều người dân ở Thừa Thiên Huế đang gặp phải, khi tin vào quảng cáo hấp dẫn như "Vay vốn ngân hàng không thế chấp", "Cho vay chỉ cần cà-vẹt xe"...
Những tờ quảng cáo đó không khó để tìm. Nó được treo trên khắp các bức tường, cột điện, trụ đèn giao thông tại thành phố Huế.
Kiểu cho vay của các ngân hàng "cột điện" thường theo hình thức trả góp. Khi đi người vay chỉ cần mang theo hộ khẩu, chứng minh thư hoặc thậm chí là giấy tờ xe.... Ví như người vay 20 triệu trong vòng 40 ngày thì mỗi ngày phải góp cả vốn lẫn lãi là 600.000 đồng. Hết thời hạn trả góp số tiền gốc và lãi người vay trả cho bên cho vay là 24 triệu đồng. Như vậy người vay sẽ phải trả lãi 4 triệu đồng.
Một số cán bộ trong ngành ngân hàng cho hay, hiện nay có hai hình thức vay phổ biến đó là vay tín chấp và vay thế chấp. Vay tín chấp thì người vay cần chứng minh thu nhập, xác nhận nơi công tác và vay thế chấp thì người vay phải có tài sản cố định để đảm bảo.
Còn với hình thức vay nhanh rồi góp theo ngày gọi là vay "nóng". Kiểu cho vay này nằm ngoài khuôn khổ hoạt động hệ thống ngân hàng, không tuân theo quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng và ngân hàng.
Khác với những công ty tài chính cho vay tín chấp với lãi suất cao nhưng có ràng buộc nhất định như người vay công việc ổn định, có mục đích sử dụng nguồn vốn, chứng minh được thu nhập. Còn tín dụng "đen" chỉ cần thỏa thuận bằng miệng, không thể hiện rõ lãi suất, không giấy tờ pháp lý nên người vay gặp rất nhiều nguy cơ rủi ro.
Đoàn liên ngành vào cuộc
Liên quan đến vấn đề nói trên, trả lời báo chí, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, thời gian qua, không ít người đã trở thành con nợ khi vay tiền của người cho vay nặng lãi núp bóng loại hình không cần thế chấp. Đây là hoạt động "tín dụng đen", vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm.
Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, công an địa phương rà soát những băng nhóm cho vay nặng lãi gây mất an ninh trật tự để phòng ngừa, đấu tranh triệt phá.
Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra dịch vụ cầm đồ và hoạt động cho vay.
Đoàn liên ngành sẽ kiểm tra các vấn đề liên quan đến dịch vụ cầm đồ; việc cho vay của các đối tượng không thuộc tổ chức được phép hoạt động tín dụng, ngoài hệ thống tài chính - ngân hàng, không thuộc các ngân hàng hay công ty tài chính được ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đối tượng kiểm tra là các cửa hiệu cầm đồ, các cá nhân, tổ chức có hoạt động cho vay trên địa bàn mà công an tỉnh nắm được danh sách; các đối tượng có liên quan đến phát tờ rơi, niêm yết quảng cáo cho vay công khai.