Vay tiền trong… “một nốt nhạc”
Đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng hấp dẫn. Anh Nguyễn Đức Nhất (Định Công, Hoàng Mai) có nhu cầu đổi xe ô tô với giá khoảng 600 triệu đồng và định vay ngân hàng 1/2 rồi dùng chính chiếc xe đó thế chấp làm tài sản bảo đảm. Anh nói: “Tôi đang tham khảo một số ngân hàng để lựa chọn mức lãi suất hợp lý. Về cơ bản, các ngân hàng áp dụng mức lãi vay mua ô tô khá tương đồng, dao động khoảng 12 - 13%, miễn lãi hoặc áp dụng mức lãi suất rất thấp trong vòng 6 đến 9 tháng đầu. Đây là mức lãi suất tôi nghĩ là có thể chấp nhận được”.
Tại một cửa hàng điện máy trên phố Nguyễn Trãi, anh Bùi Chiến Thắng đang chọn mua một chiếc tivi mới có giá 23 triệu đồng. Do mới hoàn thiện nhà và không có nhiều tiền dư nên anh quyết định trả trước 5 triệu đồng, số còn lại trả góp trong vòng 6 tháng với lãi suất 0%. “Từ giờ đến cuối năm, gia đình tôi đã tính toán đủ nguồn thu để trả nợ dần nên quyết định trả hết trong 6 tháng, hưởng lãi suất 0%. Mặc dù phải đóng một khoản phí các loại khoảng gần 1 triệu đồng, nhưng tôi nghĩ đây là mức nhiều gia đình có thể dễ chấp nhận” - anh Thắng chia sẻ.
Vào các tháng cuối năm, nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân gia tăng. Đây là dịp thuận lợi để các ngân hàng đẩy mạnh phân khúc tín dụng tiêu dùng. Nhiều ngân hàng đang có chính sách vay tiêu dùng khá tốt. Chẳng hạn các chương trình vay mua xe với mức vay lên tới 85% giá trị xe, thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chỉ 4h, thời gian vay tối đa lên tới 8 năm, áp dụng lãi suất 0% trong 3 - 9 tháng đầu, sau đó mức lãi suất dao động 11 - 13%/năm tùy từng kỳ hạn vay. Các khoản vay tiêu dùng, vay tín chấp khác cũng được quảng bá rầm rộ với nhiều sản phẩm như: Vay theo bảng lương công ty, vay theo bảo hiểm nhân thọ, vay theo hóa đơn tiền điện, vay dựa trên các hợp đồng tín dụng cũ…
Đặc biêt, nhiều ngân hàng còn áp dụng ưu đãi lãi suất, tặng quà, điểm thưởng, trao giải giá trị lớn, áp dụng các chương trình giảm giá tại các doanh nghiệp đối tác cho những khách hàng là chủ thẻ tín dụng của ngân hàng mình. Vì vậy, quẹt thẻ mua hàng, nhận quà, nhận điểm thưởng… lại được miễn lãi trong một thời gian nhất định cũng là lựa chọn tiêu dùng của nhiều người trẻ hiện nay.
Trong khi đó, tại các cửa hàng điện thoại, máy tính, trung tâm điện máy, cửa hàng xe máy… lại là lãnh địa của các công ty tài chính tiêu dùng. Hầu hết các công ty này đều đưa ra chương trình lãi suất 0% hoặc trả góp 0 đồng. Theo đó, khách hàng có thể được hưởng lãi suất 0% trong vòng 3 - 6 tháng đầu, hoặc có thể lựa chọn mức trả trước 0 đồng. Không chỉ vậy, hàng loạt các sàn cho vay ngang hàng (P2P) như Tima, Fiin, Mofin, Lendbiz, interLoan… gần đây cũng phát triển khá mạnh. Lãi vay của các cá nhân tham gia trên sàn P2P tự thỏa thuận và dao động khoảng 7 - 10%/tháng.
Cẩn trọng bẫy “tín dụng đen
Theo thống kê của FiinGroup, tín dụng tiêu dùng tăng trung bình tới 66,3%/năm trong giai đoạn 2015 - 2017, cao hơn nhiều so với mức 20% của 2013-2014. Tăng trưởng của năm 2018 đạt 30,4%, thấp hơn với mức 59% trung bình 5 năm trước. Tín dụng tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng khi tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng cho nền kinh tế đã tăng từ mức 12,3% (năm 2016) lên 17% (năm 2017) và 19,7% (năm 2018). Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp hơn so với các nước phát triển trên thế giới (40-50%).
Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những năm gần đây người tiêu dùng Việt Nam đã sẵn sàng hơn trong việc mua sắm các mặt hàng có giá trị lớn sau khi trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, như sản phẩm công nghệ mới hoặc các kỳ nghỉ/du lịch, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt dần thay đổi theo hướng người dân chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống thay vì tích lũy, tiết kiệm đến khi đủ số tiền để mua sản phẩm mình mong muốn.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trên toàn hệ thống hiện có 16 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 12 công ty tài chính tín dụng tiêu dùng như FE Credit, Home Credit, MCredit... Các công ty này cạnh tranh trực tiếp với nhau tại các trung tâm điện máy, cửa hàng, cho vay trực tiếp khi khách hàng mua sản phẩm dịch vụ, phát hành thẻ tín dụng với lãi suất cho vay từ 1,7 - 5,2%/tháng tùy theo số tiền vay, thời gian vay. Hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang tăng cường chạy đua trong lĩnh vực vay tiêu dùng khi liên kết với các đơn vị bán hàng, cung cấp hàng áp dụng lãi suất bằng 0% trong trường hợp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng thanh toán hàng hóa.
Việc phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đồng thời ngăn chặn tình trạng cho vay tự phát trong xã hội do quan hệ cung không đủ cầu (tín dụng đen). Tuy nhiên, trên thực tế, nhắm vào nhu cầu vay tiêu dùng nhanh gọn, đơn giản, nhiều công ty, nhất là các ứng dụng cho vay online đã thả sức cho vay với thủ tục đơn giản (chỉ cần bản chụp một số giấy tờ tùy thân) nhưng sau đó nếu con nợ không trả được thì sẽ phải chịu lãi suất “cắt cổ” và những hình thức đòi nợ “khủng bố”.
Anh Nguyễn Văn Trung (phường Thượng Thanh, Long Biên) kể, một lần đang lướt mạng, anh nhận được một đường link giới thiệu vay tiền online. Đang cần tiền nên anh làm theo các yêu cầu của app, chụp hình chân dung, cung cấp số tài khoản, cho phép app thâm nhập vào danh bạ điện thoại, Facebook... và yêu cầu vay 5 triệu đồng trong vòng 1 tuần. Chỉ ít phút sau, tài khoản của anh nhận được gần 4 triệu đồng, số còn lại được giữ lại trả phí và lãi. Một ngày trước khi đến hạn trả nợ, anh Trung liên tục nhận được các cuộc điện thoại đòi nợ. Chưa có tiền, anh được tiếp tục giới thiệu một aap khác, vay số tiền lớn hơn để trả nợ, sau đó lại tiếp tục vay một app khác để trả app cũ…
Cứ như vậy, từ số tiền vay ban đầu, chỉ sau hơn 1 tháng, số nợ của anh đã lên đến gần 20 triệu đồng. Khi anh Trung quyết định không tiếp tục vay để trả nợ nữa thì bị một trang facebook cắt ghép ảnh của anh với nội dung “Truy tìm đối tượng trốn nợ” và bình luận hoặc gửi cho tất cả bạn bè trong danh bạ facebook của anh. Cuối cùng, người nhà anh Trung buộc phải mang số tiền gần 20 triệu đồng trả nợ giúp thì những kẻ đòi nợ mới thôi gọi điện “khủng bố”.
Theo chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực, hiện nay hệ thống cho vay tiêu dùng khá đa dạng đã đáp ứng nhiều hơn nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Nhưng cùng với đó, người đi vay phải tìm hiểu kỹ các loại hình, nếu không sẽ bị lừa vay phải lãi suất cao. Đặc biệt, bên cạnh hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, một vài công ty cho vay ngang hàng hoạt động chính thống, bài bản thì cũng có hàng loạt mô hình biến tướng “tín dụng đen” như cầm đồ, một số app vay tiền online, một số hình thức huy động vốn đa cấp…
Vì vậy, cả người đi vay hay cho vay cần cảnh giác với những loại hình này và tốt nhất không nên tham gia. Các chuyên gia khuyến cáo, khi có nhu cầu vay, người vay cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay. Khi trao đổi thông tin với nhân viên tư vấn tín dụng, cần hỏi rõ các thông tin của nhân viên tư vấn hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình chụp danh thiếp, tránh tình trạng bị giả mạo đánh cắp thông tin.
Truy cập bài gốc Tại đây