ôTheo ông Huân, trong dự thảo Luật, chưa có điều nào đề cập đến việc các tổ chức tín dụng nói chung hay ngân hàng thương mại nói riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp .
Ông này cho rằng, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của nền kinh tế giống như trẻ sơ sinh trong một gia đình, khát vốn như trẻ sơ sinh cần sữa mẹ.
"Ở các nước phát triển, doanh nghiệp khởi nghiệp rất dễ dàng tiếp cận vốn vay. Vì ngân hàng chỉ cần thuê tư vấn độc lập để đánh giá dự án có khả thi hay không, nếu được là có thể cho vay vốn và dùng chính dự án làm tài sản thế chấp", ông Huân dẫn dụ.
Tuy nhiên, ông Huân cho rằng tại Việt Nam, doanh nghiệp muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp ngoài dự án. Trong điều kiện bình thường, các doanh nghiệp kinh doanh chuẩn tắc phải sau 3 đến 5 năm tích lũy mới có tài sản.
Như vậy, "sau 5 năm khởi nghiệp , doanh nghiệp mới có điều kiện để tiếp cận vốn vay, giống như em bé lên 5 tuổi mới được uống sữa mẹ, như thế sẽ có nhiều em bé còi và tỷ lệ 90% doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ sẽ không được cải thiện", ông Huân nêu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm 1 điều về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp giống như một số quốc gia khác trên thế giới.
Theo vị này, tài sản thế chấp - khẩu vị ưa thích của ngân hàng hiện nay là dùng tài sản cá nhân, đặc biệt sổ đỏ của cá nhân, nhà hình thành tương lai.
Ông này cho biết, doanh nhân kinh doanh bình thường rất ít tích trữ tài sản cá nhân mà dùng toàn bộ tiền vào kinh doanh, đam mê đầu tư mở rộng, mong công ty to chứ không mong nhiều nhà.trừ những doanh nhân đặc biệt, các doanh nhân kinh doanh bình thường còn lại rất ít khi tích trữ tài sản cá nhân, họ thường dồn hết vốn cho đam mê kinh doanh để đầu tư và mở rộng sản xuất.
"Họ mong công ty ngày càng to, chưa chắc họ đã mong có nhiều nhà. Tài sản cá nhân của họ có khi chỉ là nhà cho vợ con, gia đình của họ trú ngụ. Ngân hàng yêu cầu họ thế chấp tài sản cá nhân đó là đẩy toàn bộ rủi ro về phía doanh nhân, mặc dù giá trị nhà của họ rất nhỏ so với số vốn vay cho các dự án lớn", đại biểu Huân nêu.
Theo ông Huân, việc ngân hàng yêu cầu thế chấp tài sản là thay vì biện pháp đảm bảo an toàn được vốn vay bằng các nghiệp vụ thẩm định, đánh giá dự án thì ngân hàng lại trói buộc trách nhiệm cá nhân của người quản lý và trách nhiệm của doanh nghiệp, gây tổn thương cho doanh nhân.
Ông Huân khẳng định, điều này trái với chủ trương phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước, vì trong phát triển bền vững có 5 loại tăng trưởng hết sức tránh, trong đó có "tăng trưởng không tương lai" và "tăng trưởng không lương tâm".
Điều này trái với chủ trương nêu trong Nghị quyết 41/NQTW ngày 10/10/2023 về xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, đó là làm cho doanh nhân tự ti trước khi tự tôn và tự cường.
Việc yêu cầu lấy sổ đỏ làm tài sản thế chấp cũng vi phạm Hiến pháp năm 2013 tại các Điều 21, 22 và 32 về quyền riêng tư và sở hữu cá nhân. Việc này cũng vi phạm Luật Doanh nghiệp 2020 tại các Điều 50, 77 và 111 về nghĩa vụ của Công ty TNHH và Công ty cổ phần.
Vì vậy, "tôi đề nghị bổ sung thêm một điều trong luật sửa đổi lần này, yêu cầu các tổ chức tín dụng không nhận tài sản cá nhân của người quản lý doanh nghiệp làm tài sản thế chấp cho các khoản vay đầu tư phát triển dự án", ông Huân nêu.